Bằng sự quyết tâm, vợ chồng ông Triệu Văn Ngọc và bà Hoàng Thị Ty, ở xóm Tiền Phong, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đã cần cù lao động, học hỏi kinh nghiệm sản xuất để biến một vùng đồi hoang sơ, khô cằn thành mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm.
Đang vào thời điểm cuối vụ na, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình kinh tế của vợ chồng ông Ngọc và bà Ty. Tuy đang bận rộn hái na những ông bà vẫn dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Bà Ty chia sẻ: Đất xung quanh đây chủ yếu là do vợ chồng tôi khai phá. Trước đây, kinh tế gia đình tôi tương đối khó khăn, cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông vào 8 sào đất trồng lúa. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác lạc hậu nên năng suất rất bếp bênh, gia đình tôi nhiều năm ở trong diện cận nghèo. Đến năm 1999, sau một thời gian tham gia công tác đoàn thể tại địa phương, tôi được xét kết nạp vào Đảng và vào cuối năm đó, gia đình tôi đã tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Với lối nghĩ, đảng viên cần phải gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế, bà Ty đã bàn với chồng tìm hướng để phát triển kinh tế gia đình. Sau một thời gian suy nghĩ, ông bà đã quyết định vay 30 triệu đồng từ anh em trong gia đình, mua thêm đất canh tác để làm kinh tế. Để có được thành quả như ngày hôm nay, việc đầu tiên của ông bà là bắt tay vào khai hoang. Vì ít vốn nên ông bà chỉ dám thuê máy làm ở một số đoạn đá cứng, còn lại, tự tay hai vợ chồng cần mẫn lao động, san đất, đào ao để trồng trọt, chăn nuôi. Trên diện tích hơn 1ha đất đã san, ông bà dành khoảng 0,5ha để đào ao nuôi cá và ba ba, phần đất còn lại, đầu tư trồng lúa 2 vụ và chuối tiêu hồng. Đến năm 2011, thời điểm, quả na bắt đầu được thị trường ưa chuộng, sức tiêu thụ tương đối lớn, ông bà lại bàn nhau tận dụng khoảng đất dưới chân núi đá để trồng na. Tuy nhiên, đất ở đây loại tương đối khô cằn, nhiều đá nên để trồng được na, vợ chồng ông bà đã cần mẫn gánh từng gánh đất ở dưới chân núi lên đổ ở những khoảng trống giữa các phiến đá.
Ngồi nghỉ trong lán dưới chân núi, nhâm nhi những trái na chín cây vừa hái xuống, chúng tôi được nghe ông bà kể về sự kỳ công khi trồng, chăm sóc na. Ông Ngọc bảo: Để na có thể đậu quả nhiều, từ khoảng tháng 11-12 năm trước, chúng tôi đã bắt tiến hành tỉa cành, để cây tập trung dinh dưỡng cho việc ra hoa vào mùa xuân. Việc tỉa cành cũng giúp tiết kiệm dinh dưỡng cho cây và tăng khả năng chống chịu mưa gió, nhờ vậy quả na sẽ không bị dập do va đập ở trên cao. Đến khoảng tháng 1 Âm lịch là thời điểm bón phân cho na, để na chuẩn bị ra hoa vào mùa xuân. Khi mùa ra hoa đến, hai vợ chồng tôi phải tiến hành thụ phấn bổ sung bằng tay cho na. Nghe ông Ngọc kể đến đây, bà Ty góp lời: Lúc mới bắt đầu trồng, chúng tôi không biết cách thụ phấn nên mỗi cây chỉ ra khoảng hơn 10 quả, mùa na năm đó, gia đình không thu được gì. Sau đó, chúng tôi đã dành 1 tuần xuống học hỏi kỹ thuật từ những hộ chuyên trồng na ở xã La Hiên (Võ Nhai). Khi đó, vợ chồng tôi mới biết khi ra hoa, cần được thụ phấn mới có thể đậu nhiều quả. Nhờ cần cù lao động và tích cực học tập kinh nghiệm, mùa na năm sau, 50 gốc na của gia đình ông bà đã thu hoạch gần 7 tạ quả, cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng na, ông bà tiếp tục đầu tư tiền trồng thêm 350 gốc na. Số na sau khi thu hoạch đều được thương lái đến tận nhà thu mua với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Nhờ chăm chỉ lao động, tích cực học hỏi những điều mới để áp dụng tại gia đình, hiện nay, vợ chồng ông Ngọc, bà Ty đã làm chủ một mô hình kinh tế với: trên 1.000m2 nuôi cá tổng hợp, hơn 4.000m2 đất trồng lúa 2 vụ, trên 100 con ba ba và 400 gốc na, cho thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm. Nhận xét về gia đình bà Ty, chị Nguyễn Thị Thuỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đình Cả cho biết: Không những tích cực phát triển kinh tế, chị Ty còn thường chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi với các chị em phụ nữ khác. Chị Ty nói riêng và gia đình chị nói chung là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của Hội Phụ nữ thị trấn.