Chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn: Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nông dân

08:05, 17/09/2015

Từ nhiều năm qua, khu vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT) luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm nhằm giúp bà con nông dân phát triển sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu, nâng cao đời sống trên chính mảnh đất của gia đình. Một trong những lĩnh vực được ưu tiên, triển khai thực hiện hiệu quả đối với khu vực này là các chính sách tín dụng. Tiếp nối Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25-7-2015, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trong phát triển kinh tế…

Trước khi có Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT (Nghị định số 41/2010/NĐ-CP) thì từ năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã có Chỉ thị số 202-CT/HĐBT về việc cho vay vốn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đến hộ sản xuất. Sau đó là Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30-3-1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Nếu như trước đây, việc cho vay NNNT được chỉ định rõ thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT (Agribank) thì đến Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, các tổ chức tín dụng đều có thể và có trách nhiệm tham gia.

 

Một trong những ưu đãi đáng kể nhất mà Nghị định số 41/2010/NĐ-CP mang lại đó là mức lãi suất cho vay thấp hơn các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn từ 2-2,5%/năm. Cùng với đó, mức cho vay không cần tài sản đảm bảo cũng được nâng từ 10 lên tối đa 50 triệu đồng/hộ (đối với cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp); đến 200 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ NNNT; đến 500 triệu đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại. Ngoài ra, Nghị định này cũng chỉ rõ cơ chế xử lý rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh theo hướng có lợi cho người dân… Các quy định này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đáp ứng được nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho đông đảo các hộ dân, nhất là những hộ không có khả năng đáp ứng những yêu cầu vay thông thường của các ngân hàng.

 

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP đến nay, dư nợ cho vay NNNT trên địa bàn ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 7-2015, tổng nguồn vốn cho vay NNNT trong toàn tỉnh là trên 5,6 nghìn tỷ đồng, trong đó vay theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP là gần 3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực này vẫn chủ yếu được đáp ứng bởi Agribank. Còn theo ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên, từ năm 2010 đến nay, doanh số cho vay NNNT của Chi nhánh là 22,5 nghìn tỷ đồng, với 114 nghìn lượt khách hàng được vay, trong đó cho vay theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP là 10,9 nghìn tỷ đồng, với 91,7 nghìn lượt hộ. Hiện, dư nợ cho vay NNNT của Chi nhánh là 4,3 nghìn tỷ đồng trên tổng dư nợ 5,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 74%), với 49 nghìn trong tổng số 52 nghìn khách hàng còn dư nợ, trong đó dư nợ theo Nghị định nói trên là hơn 2,12 nghìn tỷ đồng (chiếm 36% tổng dư nợ), với 33,7 nghìn hộ đang vay. Nguồn vốn cho vay NNNT nói chung, theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP nói riêng đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu ngân sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

 

Trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội khiến nhu cầu vay vốn của các cá nhân, tổ chức cũng ngày càng nâng lên, cùng với đó, sau quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, không ít bất cập, vướng mắc đã bắt đầu nảy sinh, đòi hỏi phải có những thay đổi cho phù hợp và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ra đời, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-7-2015. Cụ thể: Nếu như trước đây, hộ sản xuất nông nghiệp ở phường, thị trấn không được tiếp cận chính sách này thì đến Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã trở thành đối tượng được vay. Mức cho vay không có tài sản đảm bảo cũng được tăng lên đáng kể: Từ 50 lên 100 triệu đồng (đối với cá nhân, hộ gia đình); từ 200 lên 300 triệu đồng (hộ kinh doanh); từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng (hợp tác xã, chủ trang trại). Ngoài ra, nhằm khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm hình thành từ nguồn vốn vay, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ người vay sẽ được tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng…

 

Chị Nguyễn Thị Định, xóm Quyết Tiến 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) chia sẻ: Bao đời nay, gia đình tôi gắn bó với nghề nông nhưng vì thuộc đất thị trấn nên không thuộc đối tượng được vay theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP. Do đó, tôi phải vay với lãi suất thông thường là 10,5%/năm và thủ tục xin vay cũng khá rườm rà. Mới đây, khi khoản vay cũ đến ngày trả, tôi được Agribank huyện làm thủ tục cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với số tiền 100 triệu đồng, lãi suất 9%/năm, thời hạn vay 1 năm. Không chỉ thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, mà vay theo Nghị định mới, gia đình tôi còn đỡ đi được 1,5 triệu đồng tiền lãi/năm…

 

Cũng được hưởng lợi từ những quy định mới tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, hộ ông Đồng Văn Việt, xóm Trung, xã Tân Hương (Phổ Yên) từ tháng 8 này cũng đã được ngân hàng nâng mức cho vay từ 50 lên 100 triệu đồng. Với số vốn được vay thêm, cùng với tích lũy của gia đình, ông Việt đang chuẩn bị xây thêm 10 gian chuồng lợn để nâng tổng đàn lợn thịt của gia đình từ 50 lên trên 100 con. Ông Việt hy vọng, với số đầu lợn được tăng lên, thu nhập của gia đình ông tới đây sẽ đạt hàng trăm triệu đồng, thay vì 60-70 triệu đồng/năm như hiện nay.

 

Có thể thấy, những thay đổi trong chính sách tín dụng phục vụ NNNT của Chính phủ ngày càng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân, đặc biệt là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - ngân hàng thì Nghị định số 55/2015/NĐ-CP không chỉ mở ra cơ hội cho người dân và các DN hoạt động trong lĩnh vực NNNT mà còn góp phần quan trọng giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng, khi mà thời gian qua, nhiều ngân hàng không đạt được doanh số cho vay như mong muốn.