Diện mạo mới của xã nghèo Quân Chu

09:10, 14/09/2015

Nhắc đến Quân Chu, nhiều người vẫn nghĩ đến một xã khó khăn bậc nhất của huyện Đại Từ bởi xã cách xa trung tâm huyện, trình độ dân trí thấp, trình độ cán bộ không đồng đều, ít tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu ai có dịp quay trở lại địa phương này vào thời điểm hiện tại thì sẽ có cảm nhận khác. Với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong xã, Quân Chu đã thực sự chuyển mình và tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 9,9%, giảm 48,73% so với năm 2011.

  Câu chuyện của chúng tôi và anh Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu bắt đầu từ vụ nhãn bội thu của người dân trong xã vừa qua. Anh đưa tay lần trên bản đồ xã có hình như gọng kìm, mải mê nói: Vụ vừa rồi có hàng chục hộ dân trong xã thu nhập trên dưới 100 triệu đồng từ nhãn, còn những nhà thu nhập vài chục triệu thì rất nhiều. Nhà báo nhìn bản đồ quy hoạch này, đây là xóm Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, đang là vùng chuyên canh cây ăn quả của xã. Còn vùng bên cạnh là xóm Chiểm 1, Chiểm 2, Hoà Bình, người dân mới trồng cây ăn quả được vài năm gần đây. Tính đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của xã là trên 70ha và xã vẫn tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển diện tích đất vườn kém hiệu quả thành đất trồng cây ăn quả.

 

Để tìm hiểu rõ hơn về vùng chuyên canh cây ăn quả của xã, chúng tôi tìm về 2 xóm Tân Tiến. Vừa vào đến đầu xóm, chúng tôi đã thấy bạt ngàn vườn cây ăn quả. Bên cạnh cây nhãn đã cho thu hoạch, các loại bưởi, cam, quất đang cho những trái to, mọng, sai trĩu trịt. Ông Hoàng Văn Cố, Trưởng xóm Tân Tiến 1 cho biết: Toàn xóm có 53 hộ, 197 nhân khẩu thì cả 53 hộ trồng cây ăn quả. Nhà nhiều thì 2ha, nhà ít thì 4 đến 5 sào. Những năm qua, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chiết ghép, chăm sóc cây nên vụ nào người dân trong xóm cũng được mùa. Cũng vì vậy mà nhiều hộ đã thoát nghèo, số hộ nghèo của xã giảm từ 39 hộ năm 2011 xuống chỉ còn 7 hộ.

 

Đối với người dân xã Quân Chu, việc trồng cây ăn quả không phải là mới. Ở 2 xóm Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, người dân quê gốc Hưng Yên lên đây xây dựng vùng kinh tế mới đã trồng vải, nhãn xen lẫn cây chè từ những năm 1980. Tuy nhiên, cây nhãn chưa được quan tâm, sản phẩm nhỏ lẻ, mang lại thu nhập không cao. Cho đến khoảng cuối năm 2009, được sự tuyên truyền, tạo điều kiện vay vốn của xã, người dân trong xóm mới mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm chiết, ghép giống nhãn mới để cây sai quả, to, mọng nước hơn, đồng thời nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả ra diện rộng. Hiện nay, người dân các xóm Tân Tiến 1, Tân Tiến 2 đã tập trung trồng chuyên canh cây ăn quả với các loại nhãn Miền, bưởi Hoàng, bưởi Diễn, cam Vinh, quất. Nhờ cây ăn quả, nhiều gia đình có thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đình Miêng, người dân xóm Tân Tiến 2 cho biết: Cây ăn quả rất hợp với vùng đất chân núi Tam Đảo. Gia đình tôi trồng 200 cây nhãn, 500 cây bưởi, cam, quýt mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Riêng vụ nhãn vùa qua, gia đình tôi bán được hơn 6 tấn quả thu về trên 110 triệu đồng.

 

Bên cạnh phát triển cây ăn quả thành vùng chuyên canh, xã Quân Chu cũng tích cực vận động người dân chuyển đổi giống chè lai cho năng suất, chất lượng cao. Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn xã đã trồng mới, trồng thay thế được 34ha chè lai, nâng tổng diện tích chè lai trên địa bàn xã lên 94ha với các giống LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, chiếm 58% tổng diện tích chè kinh doanh của xã. Hiện nay, năng suất chè kinh doanh của xã ước đạt 112 tạ/ha, tăng 22 tạ/ha so với năm 2011. Ngoài ra, xã cũng chú trọng phát triển kinh tế rừng, trồng cây dược liệu, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Để chủ động nguồn vốn, các đơn vị, đoàn thể trong xã đã đứng ra tín chấp, hỗ trợ người dân vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện. Hiện nay, tổng dư nợ toàn xã là gần 14 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, UBND xã cũng triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế chính sách Nhà nước trong phát triển nông nghiệp như hỗ trợ giá giống lúa, cây màu; hỗ trợ cây giống, phân bón trồng rừng sản xuất; hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135, hỗ trợ máy móc, công cụ cho người dân tộc thiểu số… Được sự quan tâm của tỉnh huyện, cơ sở hạ tầng trong xã cũng được cải thiện đáng kể. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã được đầu tư xây dựng hàng chục km đường giao thông, đường tràn liên hợp; nhân dân trong xã đối ứng cứng hoá gần 14km đường giao thông theo Chương trình hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới; các trường trên địa bàn xã được đầu tư xây mới, sửa chữa, đến nay, 2/3 trường đạt chuẩn Quốc gia…

 

Tuy nhiên, xã Quân Chu vẫn còn khá nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Toàn xã còn hơn 27km đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm, nội đồng chưa được cứng hoá, trong khi dân cư thưa thớt không đủ kinh phí đối ứng với nguồn vốn hỗ trợ xi măng để xây dựng; hệ thống thuỷ lợi mới được cứng hoá 2,2/14,6km, khiến nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn trong nước tưới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống chỉ còn 9,9%, nhưng thu nhập trung bình của người dân mới đạt 13,6 triệu đồng/người/năm. Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt 8/19 tiêu chí. Anh Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu nói: Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, triển khai các chương trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.