Đầu tư gây nuôi động vật hoang dã theo phong trào dẫn đến việc nhiều hộ dân lâm vào cảnh thua lỗ không phải là chuyện mới lạ trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, câu chuyện này vẫn lặp lại với nhiều hộ dân ở huyện Phú Lương.
Năm 2012, Anh Cao Văn Hậu, tiểu khu Thọ Lâm, thị trấn Đu được mệnh danh là “tỷ phú nuôi nhím” trên địa bàn huyện Phú Lương nhưng hiện nay, khu chuồng trại đầu tư gần 100 triệu đồng của gia đình anh cũng chỉ để nuôi vài con gà và 5 đôi nhím chưa bán được. Anh Hậu cho biết: Năm 2012, khi việc nuôi nhím bán thịt và giống phát triển, vợ chồng tôi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng để nuôi nhím. Không ngờ khi đầu tư nuôi nhiều nhất thì giá nhím lại “tụt dốc”. Nay giá bán chỉ khoảng 200 nghìn đồng/kg (giảm 800 nghìn đồng/kg so với năm 2014). Nếu tính tổng tiền đầu tư với tiền thu về trong mấy năm nuôi nhím, tôi vẫn “âm” trên 100 triệu đồng.
Còn gia đình ông Bạch Đình Chuân, ở xóm Làng Mạ, xã Động Đạt hiện còn 800 con rắn hổ mang chưa bán được do giá rẻ. Nếu giá rắn không giảm từ 600 nghìn đồng/kg (năm 2014) xuống còn 400 nghìn đồng/kg (năm 2015) thì số rắn này đã được gia đình ông xuất bán gần hết. Theo tính toán của ông Chuân, nếu bán giá 400 nghìn đồng/kg thì mỗi kg rắn gia đình ông lỗ khoảng 100 nghìn đồng. Như vậy, với 800 con rắn (trung bình 3kg/con) thì 2,4 tấn rắn thịt sẽ lỗ tầm 240 triệu đồng nếu bán.
Ông Chuân cho biết: Năm 2000 tôi đã bắt đầu gây nuôi rắn. Lúc đầu chỉ nuôi vài con nhưng sau vài năm, nhiều người tìm đến nhà mua rắn thịt và trứng rắn nên tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Đỉnh điểm nhất là năm 2013, gia đình đã nuôi tới 1.500 con rắn hổ mang. Giá rắn lúc đó lên tới 1,4 triệu đồng/kg và giá trứng 70 nghìn đồng/quả. Trừ mọi chi phí mỗi năm gia đình cũng thu được trên dưới 150 triệu đồng. Nhưng hơn 1 năm sau đó, giá rắn bắt đầu giảm mạnh do số lượng người mua ít dần. Từ đầu năm 2015 đến nay, tiền mua thức ăn chăn rắn nhờ nguồn thu từ việc bán trứng rắn, nếu không gia đình cũng vẫn phải bán dù giá có thấp. Gia đình tôi cũng cố chờ thời gian nữa xem giá rắn có tăng không.
Không chỉ gia đình ông Chuân, anh Hậu mà nhiều hộ dân đầu tư gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện Phú Lương cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Để thu hồi vốn, giải pháp của các hộ chăn nuôi thời gian qua là chấp nhận thua lỗ xuất bán hết đàn vật nuôi. Hoặc một số hộ dân đầu tư chăn nuôi lớn vẫn tiếp tục nuôi để chờ tăng giá. Thế nhưng đến nay, giá bán ra của các loài vật này không những không tăng mà còn giảm mạnh, nhiều hộ dân chịu thua lỗ nhiều hơn khi xuất bán. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 8- 2015, toàn huyện Phú Lương còn 32 cơ sở nuôi động vật hoang dã (giảm 30 cơ sở so với năm 2013, với trên 10.000 cá thể, chủ yếu là các loại rắn như: hổ mang, ráo trâu, ráo thường; lợn rừng; nhím; dúi... , tập trung chủ yếu ở các xã: Động Đạt, Tức Tranh và thị trấn Đu. So với năm 2013, số lượng cá thể gây nuôi giảm hơn 40%, riêng số lượng nhím giảm đến 99%.Hiện nay, tất cả các cơ sở gây nuôi đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng vì giá bán sụt giảm, sản phẩm không có đầu ra.
Theo ông Ngô Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phú Lương, việc người dân theo nhau gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện thời gian vừa qua là do nhu cầu của thị trường. Vào thời điểm năm 2012, 2013, nhu cầu mua, nuôi nhím, rắn và một số loài động vật khác lên cao, thấy lợi ích trước mắt nên nhiều người đầu tư nuôi. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn số lượng người mua ít dần và giá thành giảm mạnh. Qua khảo sát tại các hộ dân, các thương lái thu mua rắn, nhím… trên địa bàn huyện thời gian quan chủ yếu là ở Quảng Ninh, sau đó họ xuất sang thị trường Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, thời gian qua việc gây nuôi động vật hoang dã chạy theo phong trào trên địa bàn huyện Phú Lương khiến không ít hộ dân thua lỗ. Đây cũng chính là bài học, mỗi người dân trước khi quyết định đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì, phải chủ động nắm bắt thị trường, đảm bảo các yếu tố về vốn đầu tư, kiến thức kỹ thuật chăn, đặc biệt là đảm bảo vững chắc đầu ra cho sản phẩm nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro, thiệt hại. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quản lý việc gây nuôi động vật hoang dã của các cơ quan chức năng cũng cần được quan tâm hơn nữa.
Để được Chi cục kiểm lâm cấp phép gây nuôi động vật hoang dã, mỗi hộ dân chỉ cần các hồ sơ, thủ tục như: đơn xin đăng ký nuôi; tài liệu chứng minh nguồn gốc con vật hợp pháp; điều kiện cơ sở vật chất trại nuôi; cam kết bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận kiểm dịch… Bởi thế người dân theo nhau đầu tư nuôi động vật hoang dã.