Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ nhiều năm nay, nhưng tại các chợ nông thôn trên địa bàn huyện Phú Bình thì sản phẩm hàng Việt Nam hiện vẫn đang bị “lép vế” trước các mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó đa số là hàng do Trung Quốc sản xuất.
Chợ Úc Sơn của Thị trấn Hương Sơn là một trong những chợ lớn nhất của huyện Phú Bình, mỗi ngày có hàng trăm lượt người trong thị trấn và ở các xã lân cận đến tham gia mua bán. Các mặt hàng được bày bán ở đây khá phong phú, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng. Tìm hiểu về xuất xứ của các loại hàng hóa ở đây, chúng tôi nhận thấy các loại thực phẩm như rau, củ, quả… đa số là do người dân địa phương làm ra, còn đối với các mặt hàng quần áo, giầy dép, túi xách, đồ gia dụng… thì có khoảng 50% là hàng ngoại nhập, các sản phẩm sản xuất trong nước của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu trên thị trường. Chị Lê Thị Phượng, là người có thâm niên bán bán quần áo, giầy dép, túi xách tại chợ Úc Sơn cho biết: Nếu so với các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc thì hàng Việt Nam bán chậm hơn, bởi hàng trong nước mẫu mã đơn giản nhưng giá lại cao. Trong khi đó, hàng Trung Quốc rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng, giá rẻ, phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn nên dễ tiêu thụ hơn.
Tình trạng hàng Việt Nam chưa khẳng định được vị thế của mình đối với người tiêu dùng cũng diễn ra tại đa số các chợ khác của huyện Phú Bình như: Chợ Tân Đức, chợ Tân Khánh, chợ Dương Thành… Theo chia sẻ của những người bán hàng thì hầu như tất cả các mặt hàng Việt Nam được bán tại chợ đều do những công ty chưa có thương hiệu trên thị trường sản xuất nên nhiều người tiêu dùng vẫn cảm thấy do dự khi mua hàng. Nếu đưa hàng Việt Nam chất lượng cao của các thương hiệu nổi tiếng vào bán tại chợ nông thôn thì càng khó tiêu thụ bởi giá thành quá cao. Các chủ cửa hàng cũng tiết lộ thêm, trong số các loại hàng hóa thì giầy dép là sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất, tiếp đến là túi xách và quần áo. Những mặt hàng này có giá khá mềm, chỉ vài chục nghìn đồng là có thể sở hữu 1 sản phẩm, tuy nhiên chất lượng hàng cũng tỷ lệ thuận với giá tiền nhưng do phần lớn đều là hàng thời trang nên vẫn có nhiều khách hàng lựa chọn.
Chợ nông thôn là một kênh phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng chủ lực, nếu khai thác hiệu quả thì lượng hàng nội địa tiêu thụ được sẽ rất lớn nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong nước dường như vẫn chưa thực sự quan tâm nhiều đến thị trường này, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có tên tuổi. Đơn cử như một số mặt hàng của Việt Nam, nhất là sản phẩm may mặc chất lượng cao có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài hay hệ thống các siêu thị, cửa hàng nhưng tại các chợ nông thôn thì chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn bởi mẫu mã chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh. Cụ thể, với 1 chiếc áo sơ mi nam của Việt Tiến có giá từ 400 nghìn đồng trở lên sẽ rất khó tiêu thụ khi đem bán tại chợ nông thôn. Trong khi đó, những mặt hàng đính nhãn là hàng Việt Nam nhưng không có xuất xứ, địa chỉ rõ ràng lại dễ bị người mua đánh đồng với hàng Trung Quốc. Khi chúng tôi thực hiện phỏng vấn một số người tiêu dùng trên địa bàn huyện Phú Bình thì đa số mọi người đều có mong muốn được sử dụng hàng Việt Nam, tuy nhiên nhiều mặt hàng trong nước vẫn chưa thuyết phục được người mua. Chị Trần Thị Tiến, ở xóm Điềm Thụy, xã Điềm Thụy cho biết: Mỗi lần đến chợ, tôi rất muốn mua được một sản phẩm trong nước ưng ý, vừa với túi tiền của người nông dân chúng tôi. Tuy nhiên nhiều mặt hàng bán tại chợ có đính nhãn mác là hàng Việt Nam nhưng lại không ghi tên đơn vị sản xuất hay các thông tin liên quan đến sản phẩm nên tôi cũng không hoàn toàn yên tâm khi mua hàng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Bình nhận định: Những năm qua, huyện đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ “đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng của người dân. Đến nay, đa số người dân đều đã ý thức được việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nên đây chính là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp sản xuất trong nước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhưng để thành công trong việc “chiếm lĩnh sân nhà” các doanh nghiệp cần chú trọng việc tiếp cận kênh mua bán ở các chợ nông thôn, nắm bắt tâm lý cũng như nghiên cứu kỹ thị hiếu khách hàng, bên cạnh việc sản xuất hàng chất lượng cao cũng cần chú trọng làm ra những sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân nông thôn. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và khẳng định được vị thế của mình trước các sản phẩm hàng ngoại nhập.