Sản xuất giống chè không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các chủ vườn ươm mà còn giúp tỉnh chuyển đổi được nhiều diện tích chè giống mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, để các vườn ươm phát triển ổn định, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm tới việc tập huấn kỹ thuật và định hướng các loại giống chè sản xuất theo từng năm cho các chủ vườn ươm, từ đó sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu thực tế của người trồng chè.
Những ngày này, ở nhiều vườn ươm giống chè trong tỉnh lúc nào cũng nhộn nhịp người ra vào. Anh Phùng Bá Khiển, chủ một vườn ươm ở xóm Mới, xã Phú Đô (Phú Lương) cho biết: Đang vào thời điểm trồng mới chè nên gần chục hôm nay, ngày nào tôi cũng xuất bán được khoảng 2.000 đến 3.000 hom chè giống.
3 năm nay, vườn ươm giống chè rộng 2.000m2 của gia đình anh Khiển là địa chỉ tin cậy của nhiều hộ sản xuất chè trong xã Phú Đô và các xã lân cận như Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Lạc (Phú Lương). Để đáp ứng nhu cầu của người dân, anh Khiển chỉ ươm các giống chè nằm trong cơ cấu hỗ trợ giá giống của tỉnh như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Trung bình mỗi năm, anh sản xuất khoảng 60 vạn hom chè giống. Từ sản xuất giống chè, gia đình anh thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm.
Vườn ươm giống chè của gia đình anh Khiển là 1 trong 4 vườn ươm của xã và là một trong gần 70 vươn ươm giống chè trên địa bàn tỉnh. Khoảng 5 năm trở lại đây, sản xuất giống chè khá phát triển trên địa bàn tỉnh. Hiện, số vườn ươm chè giống tăng khoảng 30-40% so với năm 2010. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, số vườn ươm tăng là do nhu cầu của người dân tăng cao. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiều diện tích chè giống Trung du ở các vùng chè trọng điểm của tỉnh như Tân Cương (T.P Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Minh Lập (Đồng Hỷ)… đã thoái hoá, xuống cấp nên bà con có nhu cầu chặt bỏ để trồng thay thế vào đó bằng các giống chè mới. Với năng suất cao, chất lượng tốt, các giống chè này nhanh cho thu hoạch và sản phẩm bán được với giá cao hơn rất nhiều so với giống chè Trung du.
Trên thực tế, kỹ thuật sản xuất giống chè không phức tạp, do đó, chỉ cần ham học hỏi là có thể làm được. Anh Phùng Bá Khiển chia sẻ: Muốn có hom giống tốt phải có vườn cây mẹ tốt (vườn giống tốt) và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi hom. Đây là những vườn giống gốc (vườn chè được trồng để thu hom chè giống, lấy cành hom để giâm) của các cơ sở có uy tín trong tỉnh hoặc ở các viện, trung tâm trực thuộc Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Trong điều kiện thời tiết của Thái Nguyên, tôi thường cắm hom giống vào vụ đông xuân bởi đây là thời điểm cho năng suất hom cao, chất lượng hom tốt. Để có giống chè cung ứng vào tháng 8 hoặc 9 năm sau cho người dân, tôi bắt đầu cắm hom vào khoảng tháng 11 năm trước. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, từ cắm hom, bón phân, tưới nước… sẽ giúp cho các hom chè giống phát triển tốt, đạt tiêu chuẩn sau 2 lần kiểm định chất lượng giống của Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hoá nông nghiệp tỉnh…
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, các vườn ươm trong tỉnh đã sản xuất được nhiều loại giống chè đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người trồng chè. Đánh giá về chất lượng giống chè mua tại vườn ươm của địa phương, anh Lê Văn Hùng, một người dân ở xóm Phú Nam 5, xã Phú Đô (Phú Lương) cho hay: 2 năm trước, tôi mua giống chè của một vườn ươm trong xã về trồng, tỷ lệ cây sống đạt gần 100%. Hiện tại, chè phát triển rất tốt, chỉ sang năm là cho thu hoạch.
Có thể thấy, việc sản xuất giống chè ngay tại tỉnh những năm qua đã giúp các cấp, ngành chức năng quản lý được chất lượng cây giống. Theo đó, chỉ những hom giống đạt tiêu chuẩn qua các lần kiểm định của cơ quan có thẩm quyền mới được phép xuất vườn đã giúp cho việc chuyển đổi giống chè ở tỉnh đạt kết quả tốt. Đến nay, diện tích chè giống mới của Thái Nguyên đã chiếm trên 50% diện tích chè toàn tỉnh. Những diện tích chè giống mới đã cho thu hoạch, năng suất đạt cao hơn khoảng 20-40% so với giống chè Trung du.
Bên cạnh đó, việc phát triển các vườn ươm giống đã giúp tỉnh ta ổn định được nguồn cung ứng giống. Nhất là khi các vườn ươm căn cứ vào kế hoạch trồng mới, trồng lại chè của tỉnh để ươm các giống chè nằm trong cơ cấu hỗ trợ giá giống cung cấp cho người dân. Trước đây (vào cuối năm 2010), do các vườn ươm chè trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu của người dân nên trên địa bàn Thái Nguyên đã xảy ra tình trạng khan hiếm giống chè. Thời điểm đó, người dân phải mua giống chè không rõ nguồn gốc (chủ yếu lấy từ tỉnh Phú Thọ về) của các thương lái với giá cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với giống chè sản xuất trong tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra tình trạng này.
Sản xuất giống chè không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các chủ vườn ươm mà còn giúp tỉnh chuyển đổi được các diện tích chè giống mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, để các vườn ươm phát triển ổn định, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm tới việc tập huấn kỹ thuật và định hướng các loại giống chè sản xuất theo từng năm cho các chủ vườn ươm, từ đó sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu thực tế của người trồng chè.
Chè là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 21 nghìn ha chè. Theo kế hoạch, mỗi năm tỉnh ta có kế hoạch trồng mới, trồng lại 1.000ha chè. Để khuyến khích người dân chuyển đổi giống chè, tỉnh hỗ trợ 50% giá giống cho bà con. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhu cầu mua giống chè của người dân tăng cao.