Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm 50,9% tổng diện tích đất tự nhiên (179.900/ 353.100ha) trong đó đã quy hoạch rừng đặc dụng 36.211ha; rừng phòng hộ 45.971ha và rừng sản xuất là 97.731ha. Với 2 loại rừng gồm: rừng tự nhiên 101.300 ha bao gồm rừng gỗ, rừng hỗn giao và rừng núi đá); rừng trồng có tổng diện tích 62.231ha, loại cây trồng chính là bạch đàn, keo, mỡ, thông, muồng, trám. Tỉnh đã thực hiện giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp được 130.650ha/178.873ha rừng (đạt 73%) nên các chủ rừng yên tâm đầu tư lâu dài.
Những năm qua, ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển. Từ năm 2010 đến 2015, tổng tổng diện tích rừng trồng tập trung được trên 22.000ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 50%. Cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn qua thống kê hiện có 991 cơ sở, trong đó kinh doanh lâm sản: 48 cơ sở; sơ chế lâm sản: 516 cơ sở; sản xuất đồ gia dụng: 427 cơ sở. Tổng sản lượng gỗ khai thác các loại năm 2014 khoảng 400.000m3; doanh thu kinh doanh chế biến gỗ đạt 207,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành lâm nghiệp vẫn gặp những khó khăn. Do trồng rừng sản xuất chu kỳ 5-7 năm, sản lượng gỗ thấp (65-70m3/ha), chủ yếu bán gỗ dăm nên giá trị chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng/ha. Trồng rừng phòng hộ chủ yếu là những cây mọc nhanh nên tác dụng phòng hộ và giá trị cảnh quan không cao. Thêm vào đó, chưa có các hình thức liên kết trong sản xuất lâm nghiệp, quy mô diện tích trồng rừng sản xuất nhỏ lẻ, bình quân chỉ từ 1-2ha/hộ. trên 60% rừng tự nhiên là rừng mới phục hồi sau khi đã khai thác cạn kiệt, cây gỗ tái dinh chủ yếu là bồ đề, dẻ, kháo… Thêm vào đó, các cơ sở kinh doanh và chế biến lâm sản chủ yếu là tự phát, không có quy hoạch, máy móc thô sơ, chỉ một số ít doanh nghiệp có máy đục hiện đại, chủ yếu là chế biến thô (gỗ bóc, nghiền); chưa tạo dụng được thương hiệu cho sản phẩm gỗ tại thị trường trong nước và nước ngoài. Chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản chưa tiếp cận được, chủ yếu là tự đầu tư và vay từ các ngân hàng thương mại có lãi suất cao.
Với quan điểm, phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Chọn lựa ngành nghề sản xuất lâm nghiệp mà tỉnh có tiềm năng và điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tập trung nguồn lực tạo sự bứt phá trong khai thác tiềm năng thế mạnh trong sản xuất lâm nghiệp. Mục tiêu của ngành lâm nghiệp từ nay đến năm 2020 là duy trì ổn định độ che phủ rừng trên 50%, đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 3,41% năm hiện nay lên 5% (366 tỷ đồng năm 2014 lên 385 tỷ đồng năm 2015 và 491 tỷ đồng năm 2020. Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững 36.300 ha rừng sản xuất; triển khai thực hiện đồng bộ quản lý rừng, tạo điều kiện cho các cộng đồng dân cư địa phương được hưởng lợi nhiều hơn và có trách nhiệm cao hơn đối với rừng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung phát triển rừng sản xuất, quy hoạch xây dựng các vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung, trồng rừng thâm canh để cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Về chế biến lâm sản, quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản, chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển hướng từ ché biến thô sang chế biến tinh, sâu; xác định được từ 2-3 mặt hàng có thế mạnh để sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Để đồ gỗ xuất được vào thị trường Mỹ, Úc, EU, mục tiêu đến năm 2020 Thái Nguyên có được 3.000ha rừng được cấp chứng chỉ rừng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, ngành lâm nghiệp cũng đã có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quy hoạch đất lâm nghiệp, điều chỉnh phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao giá trị gia tăng của ngành, ngoài việc đánh giá lựa chọn lập danh mục cơ cấu loài và giống cây lâm nghiệp có năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường; tổ chức sản xuất theo chuỗi, sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chú ý đến mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tâng lâm nghiệp để giảm chi phí sản xuất và phát triển du lịch sinh thái; tạo điều kiện để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp dưới tán rừng. Triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ của các ngành và hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực dự báo nhu cầu thị trường lâm sản thế giới, cân đối cung cầu, xu hướng sản phẩm và những yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu; nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật quốc té để chủ động ứng phó với những rào cản thương mại.