Khó giữ chuẩn những tiêu chí "động"

09:25, 01/09/2015

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được ví như “cuộc đua dài” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn, vì vậy những xã đã đạt chuẩn NTM vẫn còn nhiều việc phải làm để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.  Tỉnh ta đã có 29 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí, vậy hiện nay, một số xã đang tiếp tục thực hiện “cuộc đua” này như thế nào? Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đưa ý kiến của một số xã nông thôn mới ở 2 huyện miền núi Đại Từ và Phú Lương.

Sau hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của tỉnh đã thay đổi, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Xét theo Bộ tiêu chí XDNTM của tỉnh, 29 xã đã đạt 19 tiêu chí (trong đó 25 xã đã có quyết định công nhận, 4 xã đang trình phê duyệt). Tuy nhiên, cùng với niềm vui trở thành xã nông thôn mới, nhiều địa phương trăn trở bởi một số tiêu chí cơ bản đạt nhưng chưa bảo đảm chất lượng theo nhu cầu thực tế của người dân, trong khi một số tiêu chí khác lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh.

 

Trong đó, vấn đề nhiều xã nông thôn mới gặp phải là có một số tiêu chí cơ bản đạt nhưng không phù hợp với nhu cầu hiện tại. Đơn cử như xã La Bằng (Đại Từ) đã đạt tiêu chí điện từ năm 2011, tuy nhiên, hiện nay chất lượng điện tại các xóm Đồng Đình, Tiến Thành, Kẹm rất kém khiến nhiều hộ dân không thể sử dụng được máy sao chè, ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện. Hay như xã Sơn Cẩm (Phú Lương) đã cơ bản đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá, 19/19 xóm của xã đều có nhà văn hoá nhưng hiện xã vẫn có nhu cầu xây mới 3 và sửa chữa 13 nhà văn hoá cũ, xuống cấp. Còn xã Cổ Lũng (Phú Lương) thì lại “nợ” tiêu chí trường học do Trường Mầm non xã đang xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2015 mới hoàn thành. Với những tiêu chí còn “non” như vậy thì các xã phải tiếp tục nâng cao chất lượng nhưng trên thực tế lại rất khó thực hiện bởi nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới giảm. Ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Người dân ở 3 xóm của xã đã đóng tiền đối ứng để làm đường bê tông nông thôn trong năm 2015 nhưng xã lại không được cấp xi măng do huyện còn phải ưu tiên hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn.

 

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhiều xã cũng trăn trở về việc giữ vững các tiêu chí “động” như: văn hoá, môi trường, an ninh trật tự xã hội… Nhiều xã chia sẻ rằng các tiêu chí này luôn thay đổi, phụ thuộc quá nhiều vào ý thức người dân và các yếu tố khách quan. Như tiêu chí văn hoá, nếu trên 30% số xóm có trường hợp sinh con thứ 3 thì hiển nhiên tiêu chí này không đạt. Hay như tiêu chí an ninh, trật tự xã hội, nếu trong địa bàn xã xảy ra một vụ trọng án thì tiêu chí này khó có thể duy trì được. Bà Đỗ Thị Miên, Chủ tịch HĐND xã Sơn Cẩm (Phú Lương) cho biết: Trong các tiêu chí, xã lo ngại nhất tiêu chí văn hoá bởi tính đến giữa tháng 7, 4 xóm của xã đã có 6 trường hợp sinh con thứ 3. Nếu 5 tháng cuối năm, xã có thêm 3 xóm có người sinh con thứ 3 thì tiêu chí văn hoá của xã không đạt.

 

Có thể thấy rằng, vấn đề giữ chuẩn nông thôn mới đặt ra với các xã là không hề đơn giản bởi điều kiện nguồn vốn Nhà nước hạn hẹp, xã hội luôn biến động. Để thực hiện được việc này, các xã phải biết vận dụng tình hình thực tế, đưa ra cách làm riêng cho mình. Đơn cử như xã Hà Thượng (Đại Từ) đã đưa việc giữ chuẩn nông thôn mới vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, sau đó, ban hành các nghị quyết chuyên đề trong kỳ họp HĐND, đồng thời, tích cực kiểm tra, rà soát giao trách nhiệm cho cá nhân, bộ phận cụ thể trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, xã cũng khéo léo huy động nguồn vốn xã hội hoá từ các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn để xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng (Đại Từ) cho biết: Từ nguồn vốn người dân đóng góp và xã hội hoá, năm 2015, xã đã nâng cấp trung tâm thể thao xã với nhiều trang thiết bị hiện đại, xây mới nhiều nhà văn hoá xóm tích hợp khu thể thao đa năng.

 

Trong việc giữ vững các tiêu chí “động”, các xã đã quan tâm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Nhiều xã cũng thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả một số câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là lồng ghép trong các cuộc họp, giao ban, phát huy tối đa khả năng tuyên truyền của các thành viên hội, đoàn thể trong xã. Cụ thể như xã Sơn Cẩm (Phú Lương) đã giao cho các hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên phụ trách và chịu trách nhiệm tình hình môi trường của từng xóm. Từ cách làm này, ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong hội và nhân dân địa phương được nâng lên.

 

Theo đại diện Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, thời gian qua, Văn phòng thường xuyên rà soát, kiểm tra và nhắc nhở các xã nông thôn mới quan tâm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện lại phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm, ý thức của chính quyền và nhân dân địa phương. Do đó, các xã nông thôn mới cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phát huy tinh thần đoàn kết để giữ vững các tiêu chí.