Khó khăn trong việc khôi phục làng ngói xi măng Cổng Đồn

17:07, 03/09/2015

Nghề làm ngói xi măng ở xóm Cổng Đồn, xã Cổ Lũng (Phú Lương) xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước và có thời điểm thu hút khoảng 60 hộ dân ở địa phương tham gia. Ngói xi măng giá rẻ, bền và chống nóng tốt nên đã trở thành vật liệu xây dựng được sử dụng phổ biến trong nhiều năm. Tuy nhiên, người làm ngói xi măng ở Cổng Đồn đang giảm dần vì sản phẩm không tiêu thụ được…

 Ông Trần Phúc Lý được xác định là người đầu tiên làm ngói xi măng ở Cổng Đồn rồi truyền nghề lại cho con cháu và các hộ dân khác trong xóm. Ban đầu, những viên ngói xi măng do người dân xóm Cổng Đồn sản xuất ra chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ để lợp nhà, công trình phụ. Về sau, ngói xi măng được người dân ở Cổng Đồn sáng tạo để sản phẩm hoàn thiện nên được sử dụng phổ biến ở cả các công trình Nhà nước, nhất là trong xây dựng các trường học. Công dụng của ngói xi mắng vượt trội và giá thành rẻ hơn so với ngói đỏ sản xuất tại làng Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) nên trong nhiều năm ngói xi măng do người dân Cổng Đồn sản xuất được tiêu thụ rộng khắp các vùng trong tỉnh, rồi lên tận các tỉnh, như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang… Nhiều gia đình có điều kiện ở Cổng Đồn đã mở xưởng sản xuất rồi vận chuyển đi bán, người biết làm nghề nhưng không có điều kiện mở xưởng sản xuất thì mang theo vài trăm khuôn và vài thứ đồ chuyên dùng đi đóng ngói thuê để khắp nơi…

 

Đó là thời thịnh vượng của làng ngói xi măng Cổng Đồn. Còn hôm nay trở lại làng nghề này chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi không khí im ắng, nhiều cơ sở chuyên sản xuất nay đóng cửa, treo biển thanh lý sản phẩm với giá rẻ. Những người chuyên làm nghề đã rửa khuôn cất kỹ để đi làm việc khác. Duy nhất tại xóm Cổng Đồn hiện chỉ còn hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Đình còn làm nghề sản xuất ngói xi măng. Khi hỏi về lý do làng ngói teo tóp nhưng hôm nay, ông Đình cho biết: “Khi các loại vật liệu khác như tấm lợp xi măng, tôn, ngói trang trí xuất xứ từ Quảng Ninh, Vĩnh Phúc có bán ngoài thị trường thì việc tiêu thụ sản phẩm ngói xi măng khó khăn dần. Cách đây khoảng 10 năm, người dân vùng sâu, vùng xa còn sử dụng ngói xi măng để lợp nhà nhưng nhóm khách hàng này cũng ít dần vì lợp ngói xi măng tốn nhiều cây hơn tấm lợp. Người dân ở đô thị không còn dùng ngói xi măng vì chê mẫu mã không đẹp và không đa dạng về mầu sắc...”. Để tìm lối thoát cho làng nghề, ba người con trai của cụ Trần Phúc Lý cũng đã mày mò cải tiến mẫu mã, sản xuất ngói xi măng có mầu đỏ thẫm, đỏ tươi, mầu vàng, mầu xanh.

 

Những mẫu ngói xi măng mới này ban đầu được một số khách hàng sử dụng nhưng chỉ thời gian sau ngói xuất hiện mốc, phai mầu nên người dân không dám sản xuất tiếp. Ông Trần Tất Liêm, một người khao khát muốn khôi phục lại làng nghề ngói xi măng Cổng Đồn tâm sự: “Chi phí đầu tư không lớn, mặt bằng của chúng tôi ở đây lại rộng, người dân chăm chỉ lao động và sẵn có kinh nghiệm sản xuất xi măng nên chỉ cần các cơ quan chức năng, các nhà khoa học giúp đỡ làm cách nào để sản phẩm không bị nấm mốc, phai mầu và đa dạng về hoa văn, kích cỡ. Giải quyết được vấn đề trên, tôi tin chắc làng ngói xi măng ở Công Đồn sẽ được phục hồi, phát triển rực rỡ như những năm trước”. Ông Bùi Xuân Thịnh, trưởng xóm Cổng Đồn thông tin thêm: “Toàn xóm có 120 hộ với gần 300 lao động nhưng các gia đình đều ít đất canh tác nông nghiệp nên khi ngói xi măng không tiêu thụ được khiến nhiều người dân địa phương thiếu việc làm, mất thu nhập. Ở quê không có việc làm nên thanh niên trong xóm đành phải đi nơi khác lao động, những người trung tuổi thì mạnh nghề nào làm nghề đó”.  

 

Giá một viên ngói xi măng dao động từ 1.700 đồng đến 2.500 đồng và 1 người đóng được 500 viên/ngày nên loại sản phẩm này có thể cạnh tranh về giá với các loại vật liệu khác cùng công dụng (ngói trang trí ngoài thị trường đều có giá từ 7.000 đồng đến 12.000 đồng/viên). Do vậy, việc phục hồi làng ngói xi măng Cổng Đồn nên được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm, giúp đỡ. Đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứ khoa học của tỉnh hàng năm nên có đề tài giúp ích thiết thực cho bà con ở làng ngói xi măng Cổng Đồn...