Lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư

15:45, 10/09/2015

Trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Định Hóa rất chú trọng việc huy động và lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, diện mạo nông thôn, miền núi trên địa bàn ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao…

Ông Vi Đức Chung, một hộ dân ở xóm Pác Máng, xã Định Biên, phấn khởi cho biết: Cuối năm 2014, được sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của một số đơn vị, doanh nghiệp, xóm tôi đã xây dựng được con đường bê tông sạch sẽ, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa của bà con thuận tiện hơn trước rất nhiều. Khi chưa có đường bê tông, muốn ra trung tâm xã phải đi lại rất vất vả, vượt qua nhiều đoạn suối (đặc biệt là những hôm trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt, bà con phải mất gần 2 giờ đi bộ). Đến nay thì chỉ cần đi khoảng 15 phút...

 

Cùng với xóm Pác Máng, các thôn, xóm khác có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Định Hoá cũng đã được quan tâm đầu tư mở rộng và cứng hóa đường giao thông nông thôn, giúp cho việc đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi hơn. Không chỉ quan tâm làm đường, huyện còn tập trung đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, hệ thống đường điện, nhà văn hóa thôn, xóm, các tuyến kênh mương nội đồng... nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, nhất là ở những vùng khó khăn. Ông Nguyễn Minh Tú, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch cho biết: Từ năm 2011 đến nay, huyện đã huy động được trên 1.200 tỷ đồng từ các nguồn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển KT-XH vùng Trung tâm ATK Định Hóa giai đoạn 2013-2020; Chương trình 135, 134; vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia và ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ; vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư; vốn ODA, NGO... để đầu tư cho phát triển. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, huyện đã xây dựng được gần 230km đường, nâng tổng chiều dài đường nhựa và đường bê tông lên 350/614km; xây dựng được 9 công trình đập dâng nhỏ; kiên cố hóa 62km kênh mương, nâng tổng chiều dài các tuyến kênh mương được kiên cố hóa lên 238/560km; xây dựng cơ sở vật chất cho 12 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 49/73 trường (chiếm 67,1%); xây dựng được 2 nhà văn hóa xã, 97 nhà văn hóa thôn, xóm (như vậy, đến nay toàn huyện có 24/24 xã, thị trấn và 364/435 thôn, xóm có nhà văn hóa)... Các công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, miền núi ở các xã khó khăn, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn phát triển...

 

Trong những năm gần đây, huyện Định Hóa đã huy động và thực hiện lồng ghép khá hiệu quả nhiều nguồn lực và vận dụng nhiều cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là xây dựng đường giao thông. Ông Ngô Quốc Tự, Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các ban, ngành, đoàn thể ở các cấp đã vận động nhân dân tham gia hiến đất làm đường bê tông. Phong trào "Định Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới" những năm qua đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi, có được sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn, được nhân dân hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Từ năm 2011 đến nay, người dân trong toàn huyện đã hiến được khoảng 494.000m2 đất để xây dựng các công trình. UBND huyện cũng đã có Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 23-10-2013 về việc vận động lực lượng lao động của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tham gia đóng góp ngày công, tiền của xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong 2 năm (2013-2014), toàn huyện đã huy động được hơn 5.060 ngày công, trên 1,8 tỷ đồng từ đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị, trường học và lực lượng vũ trang góp sức xây dựng đường bê tông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa...

 

Đồng chí Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, góp phần đắc lực vào sự phát triển KT-XH của địa phương, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi. Đời sống của bà con nhân dân từng bước được nâng lên. Có được kết quả đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện; việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khá linh hoạt, hiệu quả; huy động được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trong việc đóng góp vốn đối ứng và hiến đất để xây dựng các công trình.