Khi ở các xóm, bản người Tày, người Kinh của xã Thượng Nung (Võ Nhai), lúa đang đứng cái, làm đòng thì ở Lũng Hoài, những nương ngô cũng bắt lên xanh. Với bản người Mông này, ngô là cây lương thực đã gắn bó với bà con ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp.
25 năm trước, khi những hộ dân đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng) dắt díu nhau về đây dựng lán, tìm kế sinh nhai, chỉ có cây ngô là sống được trên vùng đất dốc và bãi đất khô cằn nơi chỏm núi cao tít tắp này. Anh Lý Văn Sinh, Trưởng bản Lũng Hoài chia sẻ: Ngày trước, bản mình chỉ trồng ngô giống địa phương, bắp ngô nhỏ, ít hạt nên thu hoạch chẳng được bao nhiều. Ngày qua ngày, chúng mình chăm chỉ phát quang đất bãi, vỡ đất, đào cỏ gianh, mang cỏ cây về đốt rồi lấy tro bón cho đất, dần dần đất tơi xốp và cho bắp to hơn, nhiều hạt hơn, vì thế người Mông Lũng Hoài cũng bớt đói khổ hơn.
Hơn 10 năm trước, khi trong bản truyền tai nhau về giống ngô cho cái bắp to gấp rưỡi cổ tay của người lớn được trồng ở các bản, làng của người Kinh, người Tày…, bà con đã đi đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, mua giống ở các cửa hàng về trồng. Mùa nọ nối tiếp mùa kia, diện tích ngô mỗi ngày được mở rộng ra, năng suất cao hơn. Trước đây, bà con trồng 1kg ngô giống địa phương chỉ thu 3 gánh ngô hạt (khoảng 50-70kg). Từ ngày trồng giống ngô lai NK 4300, mỗi kg hạt giống cho 150kg ngô hạt (trung bình mỗi hộ trồng khoảng 25kg ngô/năm). Những hạt ngô vàng óng được bán để mua gạo hoặc mang về chăn con lợn, đàn gà… nên người Mông Lũng Hoài không phải ăn mèn mén nữa.
Cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng thay đổi khi 8, 9 năm trước, cách làm ăn hiệu quả của người Kinh, người Tày đã được bà con nơi đây học tập. Đó là khai hoang, vỡ ruộng gieo cây lúa nước (trung bình mỗi nhà có khoảng 2-3 sào ruộng); chăn nuôi bò thịt, lợn… bán lấy tiền dựng nhà mới, mua xe máy, ti vi… Chị Lý Thị De, một người dân trong bản nói: Nuôi con bò cũng dễ mà! Nuôi 2 năm là nó đẻ con, nuôi bê con 2, 3 năm nữa là được thịt rồi…
Ở Lũng Hoài có 34 hộ dân, nhà nào cũng nuôi từ 1 đến 4 con bò. Bà con thường chọn mua bò nái về nuôi để gây đàn. Bê con sinh ra, những con đực sẽ được nuôi vỗ béo để bán, còn bê cái được giữ lại để tiếp tục gây giống. Với cách làm này, đến nay, cả bản đã có hơn 60 con bò. Theo tính toán của Trưởng bản Lý Văn Sinh, mỗi con bò khi bán có giá từ 30-40 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi hộ cũng nuôi chừng 3 đến 4 con lợn để tăng thêm thu nhập.
Mấy năm trước, cuộc sống của bà con vẫn còn vô vàn khó khăn khi con đường vào bản chưa được mở. Người dân muốn đi chợ phải men theo triền núi đá mất vài giờ đồng hồ mới ra được đường cái. Chỉ đi, lại mua cái ăn, cái mặc phục vụ đời sống sinh hoạt đã khó, nói gì đến việc vận chuyển hàng hóa đi bán. Muốn bán gánh ngô hay con bò, con lợn cũng phải rất mất công vì phương tiện vận chuyển duy nhất chỉ là đôi chân và đôi vai của bà con. Niềm vui đã đến khi năm 2012, Nhà nước đầu tư tiền mở con đường bê tông dài 3km từ trung tâm xã vào đến đầu bản. Đường chỉ rộng 2,5m nhưng với người Mông Lũng Hoài, đó là điều mà bà con không dám mơ ước. Con đường mới đã giúp bà con rút ngắn thời gian đi lại khi chỉ mất 15 phút “phóng” xe máy là đã có thể ra đến trung tâm xã.
Đường đã dễ đi hơn, giao thương với bên ngoài được cởi mở hơn nhưng còn vài km đường từ đầu bản đến cuối bản vẫn rất khó đi, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa lầy lội. Ngày nắng, các cô giáo giảng dạy ở phân trường Lũng Hoài còn có thể về nhà, nhưng ngày mưa thì có hôm phải ở lại trong bản.
Niềm vui của người Lũng Hoài được nhân đôi khi đầu năm nay, thực hiện Đề án Phát triển kinh tế xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 (gọi tắt là đề án 2037), 2,5km đường của bản tiếp tục được cứng hóa. Ông Lý Văn Lù, một trong những hộ dân đầu tiên về đây cho hay: Có con đường mới, chúng mình vui lắm. Từ ngày con đường vào bản hoàn thành, hàng hóa của bà con làm ra không bị mất giá nữa. Về đây mua ngô, bò và lợn, họ trả giá bằng với các bản, làng bên ngoài rồi. Chở phân bón về chăm sóc cây ngô, cây lúa cũng thuận lợi hơn. Bọn trẻ đi học cấp hai cũng không còn lo trượt ngã những ngày mưa gió…
Điều thú vị là dù chưa có điện nhưng nhiều hộ ở Lũng Hoài đã mua được ti vi. Bà con thường sử dụng ắc quy để có điện xem ti vi. Xe máy thì nhà nào cũng có. Thậm chí cả bản đã có 7 chiếc máy cày. Những ngày vào mùa tra hạt, tiếng máy cày chạy rền vang trên các bãi đất giữa bản. Vui nhất là cái sự học của con trẻ đã được quan tâm. Hiện, cả bản có gần 40 em học từ tiểu học đến đại học, trong đó có 1 em đang học đại học và 3 em đã tốt nghiệp THPT…
Hôm chúng tôi về Lũng Hoài, trời thu trong vắt, nắng vàng như rót mật. Trên con đường bê tông uốn lượn, mấy chiếc xe máy đang chở ngô ra ngoài chợ bán. Thỉnh thoảng lại có chiếc xe đi theo chiều ngược lại. Trên xe treo lủng lẳng những túi ni lông đựng rau và thịt... Hai bên đường, nhiều bãi ngô đã lên cao gần bằng đầu người, những lá ngô mỡ màng báo hiệu một mùa thu hoạch bột thu. Dự cảm tốt lành về một bản Lũng Hoài tiếp tục đổi mới trong tương lai đang len lỏi trong suy nghĩ của những ai đặt chân đến đây. Với những gì đang hiện hữu, chắc chắn, bản người Mông trên rẻo cao này sẽ còn có những có những bứt phá. Chúng tôi mong một ngày gần đây, điện lưới Quốc gia sẽ về với bản làng để niềm vui của bà con thật sự trọn vẹn.