Người dân chưa mặn mà với cây ba kích

09:48, 28/09/2015

Với mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nguồn cung sản phẩm dược liệu cho thị trường, huyện Đại Từ đã triển khai mô hình trồng cây ba kích tại những xã, thị trấn nằm ven dãy núi Tam Đảo. Tuy nhiên, sau vài năm trồng thử nghiệm cho thấy, cây ba kích sinh trưởng, phát triển chậm, tỷ lệ cây sống thấp, người dân còn lúng túng trong việc áp dụng kỹ thuật trồng nên chưa thực sự mặn mà với loại cây này.

Ba kích là loại dược liệu quý, được biết đến như một loại thuốc ngâm rượu và là nguyên liệu trong rất nhiều các bài thuốc đông y cũng như trong bào chế thuốc công nghiệp. Cây ba kích tồn tại từ lâu và phân bố rộng trên các diện tích rừng tự nhiên. Tuy nhiên, trải qua quá trình canh tác sản xuất, chuyển đổi đất lâm nghiệp, loại cây này đã bị khai thác cạn kiệt. Hiện nay, diện tích ba kích trên địa bàn huyện Đại Từ còn rất ít, chủ yếu còn gặp rải rác ở các dãy núi Tam Đảo, núi Hồng và núi Chúa.

 

Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Nông nghiệp và PTNT), những xã của huyện Đại Từ nằm ven dãy núi Tam Đảo có địa hình đồi núi thấp, nền đất màu mỡ, khí hậu mát mẻ nên phù hợp với trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường với cây ba kích rất lớn nên việc triển khai, nhân rộng để người dân trồng loại cây dược liệu này là cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu trên, năm 2012, UBND huyện Đại Từ đã giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai thực hiện mô hình trồng cây ba kích tại 2 xã Văn Yên, Mỹ Yên. Đầu năm 2013, từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục xây dựng Dự án “Nhân rộng mô hình trồng cây ba kích tại một số xã vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, huyện Đại Từ”, thời gian thực hiện trong 3 năm (2013-2015) với quy mô 13,5ha triển khai tại 4 xã, thị trấn là xã: Phú Xuyên, La Bằng, Quân Chu và thị trấn Quân Chu. Qua quá trình triển khai, một số hộ dân có cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tuy nhiên, phần lớn số hộ dân có cây trồng sinh trưởng phát triển chậm, tỷ lệ cây sống thấp.

 

Trực tiếp tìm hiểu tại một số xã, chúng tôi thấy diện tích ba kích được triển khai trồng năm 2012, 2013 sinh trưởng, phát triển chậm, tán nhỏ. Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết: Tỷ lệ cây ba kích sống chỉ đạt khoảng 60 đến 70%, những cây sống sót cũng chậm phát tán, ra rễ. Còn bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho biết: Mô hình trồng cây ba kích chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhiều người thấy cây lớn chậm nên đã trồng xen các loại cây khác vào diện tích đất này. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, không chỉ có xã Quân Chu, Mỹ Yên mà khá nhiều diện tích ba kích ở các xã khác đều sinh trưởng, phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp. Ông Hoàng Văn Thành, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nhận định: Các mô hình trồng cây ba kích triển khai trên địa bàn huyện không đạt được như mong đợi của đơn vị chuyên môn. Nhiều diện tích cây sinh trưởng kém hoặc bị chết. Nguyên nhân là do trồng cây ba kích đòi hỏi áp dụng quy trình kỹ thuật khắt khe, trong khi người dân mới trồng lần đầu chưa nắm vững kỹ thuật, cách chăm sóc. Dưới 2 năm tuổi cây ba kích chịu bóng nên cần được trồng dưới tán cây, nhưng khi trưởng thành cây lại ưa sáng, cần được trồng nơi có nhiều ánh nắng mới có thể sinh trưởng tốt, bộ rễ to khoẻ. Những khu vực đồi đất khô, nhiều nắng, nhiệt độ ngoài trời cao, cây ba kích non rất dễ bị chết.

 

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần nguyên nhân là do người dân chưa thực sự mặn mà với loại cây trồng này do lợi nhuận thu được thấp. Ông Đặng Hoàng Ba, ở xóm Chiểm 1, xã Quân Chu cho biết: Ba kích là cây trồng lâu năm, sau 6 năm hoặc lâu hơn mới được khai thác, khai thác xong 2, 3 năm sau mới được trồng lại, trong khi giá 1kg ba kích chỉ được khoảng 180 đến 200 nghìn đồng, lại khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật, chăm sóc chu đáo. Vì vậy, lợi nhuận thu được so với công sức bỏ ra thì trồng cây ăn quả, keo còn đạt hiệu quả hơn. Hiện nay, gia đình tôi đã trồng xen cây ăn quả vào diện tích đất đồi đang trồng cây ba kích.

 

Trong sách đỏ Việt Nam, cây ba kích là một cây trong những loại cây cần được bảo vệ trong tự nhiên và đẩy mạnh trồng trọt để tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định. Vì vậy, với nhiều điều kiện thuận lợi sẵn có, huyện Đại Từ cần khắc phục khó khăn, trồng nhân rộng loại cây này. Ông Hoàng Văn Thành, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Từ những mô hình trồng cây ba kích những năm qua, chúng tôi đã rút ra một số kinh nghiệm để tiếp tục triển khai nhân rộng. Quan điểm của huyện là tích cực khuyến khích, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để người dân mở rộng diện tích, góp phần chủ động nguồn cung ra thị trường và bảo tồn giống cây ba kích.