Nhân rộng các mô hình khuyến nông

17:58, 18/09/2015

Trong những năm gần đây, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa đã triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông. Các mô hình này đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này lại khá khó khăn...

Dẫn chúng tôi tham quan các thùng ong mật được đặt xung quanh vườn nhà, ông Hoàng Văn Bào, ở xóm Héo, xã Phượng Tiến (Định Hóa) cho biết: Tôi đã có nhiều năm nuôi ong lấy mật nhưng phải đến khi tham gia Dự án nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi mới hiểu rõ hơn các tập tính của ong trong việc xây tổ, chia đàn, lấy mật, am hiểu các loài hoa, mùa hoa và các nguồn thức ăn thiên nhiên của ong. Từ nuôi ong theo cách truyền thống, tôi đã chuyển sang nuôi ong theo phương pháp thùng vuông có cầu gắn dây thép, lấy mật theo phương pháp quay ly tâm nên năng suất mật tăng lên khá nhiều. Năm 2013, tôi đã phát triển đàn ong từ hơn 10 đàn lên tới 26 đàn, thu được 334 lít mật. Đến năm nay, có thời điểm, gia đình tôi phát triển đàn ong lên trên 30 đàn, thu được 336 lít mật. Nếu giá bán mật ong ổn định như hiện nay là 150 nghìn đồng/lít thì nuôi ong sẽ đem lại nguồn thu nhập khá cho kinh tế hộ gia đình...

 

Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, Trạm Khuyến nông Định Hóa đã triển khai và thực hiện được 56 mô hình khuyến nông với nhiều giống cây, con, hình thức tổ chức sản sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình trồng cây ba kích (năm 2013) tại xã Lam Vỹ với 25 hộ tham gia, quy mô 15ha. cây sinh trưởng, phát triển khá tốt. Sau 3 năm, mỗi gốc ba kích có thể cho từ 0,5 đến 0,8kg củ, với giá bán hiện nay khoảng 100 nghìn đồng/kg thì mỗi ha sẽ cho thu lãi trên 100 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí và công chăm sóc). Tương tự, Dự án nhân rộng mô hình nuôi gà thả vườn đồi (năm 2013) tại các xã: Phúc Chu, Đồng Thịnh, Bảo Cường với quy mô 4.515 con gà, 43 hộ tham gia cũng được đánh giá là khá thành công với việc nhiều hộ đã duy trì và phát triển đàn từ 500 con lên tới 3.000-5.000 con sau khi kết thúc mô hình. Chị Phạm Thị Viền, ở xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường chia sẻ: Từ khi được tham gia Dự án với quy mô 500 con gà, đến nay, gia đình tôi đã mở rộng quy mô chăn nuôi với việc mỗi tháng nhập thêm 1.000 con gà mía để nuôi. Sau khi xuất chuồng, cứ 1.000 con, gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

 

Có thể khẳng định rằng, các mô hình như đã nêu ở trên khá thành công, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng đến sản xuất hàng hóa. Thông qua các mô hình, người nông dân đã được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chọn giống cây, con cũng như các hình thức tổ chức trồng trọt, chăn nuôi. Thế nhưng, phần lớn các mô hình đang gặp khó trong việc nhân rộng, điển hình như một số mô hình về: gieo trồng giống lúa, ngô lai, phân bón trên lúa và cây chè, mô hình liên kết trồng bí đỏ, khoai tây vụ đông... Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, nguồn kinh phí thực hiện các mô hình, dự án còn hạn chế, thiếu tập trung nên chưa đủ mạnh để kích thích phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô lớn. Mặt khác, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chưa được đảm bảo ổn định. Các sản phẩm của bà con làm ra nhiều lúc rơi vào tình trạng "được mùa mất giá".

 

Trong khi đó mối liên kết "4 nhà", đặc biệt là nhà nông với nhà doanh nghiệp chưa thực sự bền chặt, chưa tạo được sự thống nhất để cùng khai thác các thế mạnh và thụ hưởng những thành quả, lợi ích từ sự liên kết đem lại. Ông Hoàng Văn Thắng, Phó trạm Khuyến nông huyện Định Hóa chia sẻ: Nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với các doanh nghiệp đã được triển khai trên địa bàn huyện, đơn cử như liên kết trồng bí đỏ, khoai tây vụ đông. Tuy nhiên, đến kỳ được thu hoạch, nhiều hộ dân đã "phá" thỏa thuận với doanh nghiệp, đem sản phẩm bán ra ngoài thị trường vì giá bán cao hơn. Điều đó cũng cho thấy, lợi ích kinh tế giữa nông dân và các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết một cách hài hòa, nên dẫn đến mối liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp chưa thực sự bền chặt. Kết quả là có vụ, doanh nghiệp không thu mua được sản phẩm của nông dân, có vụ nông dân lại không tiêu thụ được sản phẩm do giá bán thấp và doanh nghiệp không còn mặn mà hợp tác thu mua cho dân vì không giữ đúng thỏa thuận.

 

Bên cạnh những vấn đề trên, giá vật tư, con giống đầu vào cao, giá sản phẩm nông nghiệp đầu ra thấp, lại bấp bênh, dẫn đến tình trạng khi triển khai mô hình, các hộ dân đều rất nhiệt tình tham gia do được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật, nhưng khi kết thúc thì không tiếp tục bỏ vốn để duy trì, nhân rộng mô hình. Để các mô hình khuyến nông được thực hiện có hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, thiết nghĩ các cơ quan, đơn vị triển khai cần tiếp tục quan tâm đến hậu mô hình, nhất là lo đầu ra cho sản phẩm. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng mối liên kết "4 nhà", nhất là nhà nông và nhà doanh nghiệp thật bền chặt...