T.P Thái Nguyên hiện có gần 1.000ha đất trồng rau, nhưng thực tế thì sản phẩm rau, củ làm ra chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Theo thống kê của Chi cục Thống kê T.P Thái Nguyên, mặc dù hiện nay diện tích đất gieo trồng rau, củ, quả có giảm qua các năm (năm 2011 là 1.010ha đến năm 2014 là 955ha) nhưng năng suất và sản lượng của các loại rau, củ trên địa bàn vẫn liên tục tăng. Nếu như năm 2010 sản lượng rau các loại là trên 15 nghìn tấn (năng suất chỉ đạt 179 tạ/ha) thì năm 2015, sản lượng tăng lên trên 20 nghìn tấn (năng suất đạt 190 tạ/ha). Với dân số trên 300 nghìn người, là trung tâm chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, nơi tập trung 34 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc với trên 100 nghìn học sinh, sinh viên. Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên là địa điểm “dừng chân” của các dự án, công ty lớn đã kéo theo số lượng các bếp ăn tập thể ngày một tăng. Chính vì thế, sản lượng rau, củ của Thành phố vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Qua tìm hiểu tại chợ đầu mối nông sản Túc Duyên (chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh), chúng tôi nhận thấy hầu hết các mặt hàng nông sản được nhập về từ các tỉnh ngoài như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Long Biên, Mê Linh (Hà Nội), Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số tỉnh miền Nam. Hàng hóa đa dạng về chủng loại, một số loại rau, củ trái vụ được bày bán nhiều mà giá cả lại rất phải chăng, không đắt hơn là mấy so với chính vụ. Trong khi đó, về mùa này, một số cánh đồng rau của Thành phố chỉ trồng chủ yếu là các loại rau như: muống, bầu, bí, mướp, chanh, ớt... nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương trong chợ cho biết: Hàng của tôi lấy về bán chủ yếu là ở các tỉnh miền xuôi. Rau, củ lấy ở T.P Thái Nguyên chỉ chiếm khoảng 15% tổng số các mặt hàng. Theo ông Nguyễn Đình Thông, Trưởng ban Quản lý chợ Túc Duyên thì mỗi ngày chợ tiêu thụ khoảng 50 tấn nông sản các loại, rau củ của Thành phố chỉ chiếm khoảng 15-20%, còn lại là hàng ở các nơi khác chuyển đến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số phường, xã có thế mạnh về sản xuất rau, màu như: Túc Duyên, Đồng Bẩm, Cao Ngạn, Thịnh Đức, Quyết Thắng... cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người tiêu dùng. Chủ yếu là những gánh hàng bán lẻ, bán rong dọc tuyến đường Bến Oánh và một số chợ “bóp”, chợ sinh viên... chứ chưa đủ khả năng vào chợ đầu mối để bán buôn cho các tiểu thương. Lý giải về vấn đề này, theo ông Ngô Danh Thùy, Phó phòng Kinh tế Thành phố thì hiện nay, do diện tích đất nông nghiệp của thành phố còn nhỏ lẻ phân tán, địa hình không thuận lợi, chưa tập trung thành một vùng chuyên canh lớn nên ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa. Những loại rau, hoa thích hợp với đất phù sa ven sông thì diện tích ngày càng bị thu hẹp. Còn đối với các vùng đất khác thì chất đất bạc màu, muốn trồng được nông sản, đặc biệt là nông sản trái vụ cần có sự đầu tư lớn hơn như xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà kính... giá thành sẽ phải đắt hơn gấp nhiều lần so với những vùng chuyên canh về sản xuất rau. Chính vì thế, nông sản ở Thành phố không thể cạnh tranh về giá cả với những vùng chuyên canh rau ở miền xuôi. Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục khuyến khích bà con hình thành vùng sản xuất rau an toàn ở xã Đồng Bẩm và một số xã, phường trên địa bàn.
Để hàng nông sản dần có “chỗ đứng” hơn trên thị trường mà đặc biệt là thị trường chợ đầu mối, nông dân sản xuất rau trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang rất cần những cơ chế hỗ trợ vay vốn, khuyến khích sản xuất rau theo những vùng chuyên canh đã quy hoạch. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao như: rau nhà lưới, nhà kính, nhà vòm và các thiết bị thích hợp để phục vụ sản xuất cây giống rau, rau mầm, rau an toàn trái vụ và quanh năm đảm bảo cho sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm…