Phát triển tiểu thủ công nghiệp cần được tiếp sức

11:02, 10/09/2015

Trong cơ cấu kinh tế của T.P Thái Nguyên, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đóng một vai trò quan trọng, bởi nó góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của phòng chuyên môn Thành phố, phát triển TTCN trên địa bàn hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Phòng Tài chính T.P Thái Nguyên, hiện  trên địa bàn Thành phố có 1.852 cơ sở sản xuất  thuộc lĩnh vực TTCN, có 1 làng nghề làm bún, bánh. Tính riêng trong năm 2014, giá trị sản xuất TTCN của Thành phố đạt trên 300 tỷ đồng, so sánh với năm 2013, số hộ phát triển ngành nghề TTCN tăng 117 hộ và giá trị sản xuất tăng khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của phòng chức năng Thành phố, phát triển TTCN quy mô hoạt động nhỏ, chủ yếu là các hộ tư nhân kinh doanh cá thể, vốn đăng ký kinh doanh nhỏ và sản xuất các mặt hàng chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương.

 

Tìm câu trả lời tại sao các cơ sở TTCN chỉ phát triển ở quy mô nhỏ và đơn lẻ, chúng tôi về Làng nghề bún bánh xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn. Đây là làng nghề đã có rất lâu đời, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2010, có tới 90% số hộ trong xóm (khoảng 70 hộ) gắn bó với nghề truyền thống này, nhưng do không có vốn đầu tư công nghệ mới, không khai thác thêm được thị trường tiêu thụ nên đến nay chỉ còn khoảng 20 hộ duy trì được nghề. Ông Đỗ Đình Điện, Trưởng xóm Gò Chè, cũng là gia đình nhiều năm gắn bó với nghề làm bún bánh cho biết: Do yêu cầu ngày càng cao của thị trường, sản phẩm bún làm thủ công không cạnh tranh được với bún làm bằng máy. Bởi lẽ, sản xuất bún bằng máy chi phí thấp, giá thành rẻ mà chất lượng bún lại ngon hơn, hình thức bắt mắt hơn. Nhiều người dân trong xóm muốn đầu tư máy để làm bún, nhưng chi phí một chiếc máy sản xuất bún ở khoảng 50-60 triệu đồng, không phải gia đình nào cũng có để mua.

 

Đến Công ty cổ phần đúc Thái Nguyên, nằm trong Cụm công nghiệp Cao Ngạn, xã Cao Ngạn, chúng tôi được anh Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty chia sẻ: Tôi theo nghề “cha chuyền con nối”, Công ty của tôi trước đây thuộc Xí nghiệp đúc Thái Nguyên, nay phát triển thành công ty. Trước kia nghề đúc gang, thép ở T.P Thái Nguyên rất phát triển, khoảng năm 1990 trên địa bàn Thành phố có khoảng vài trăm lò đúc gang, tập trung tại các phường Lưu Xá, Cam Giá, Trung Thành, nhưng dần các lò thủ công không còn tồn tại, vì sản phẩm gang không đáp ứng với thị trường, các lò lại gây ô nhiễm môi trường, hiện trên địa bàn Thành phố chỉ còn vài lò đúc gang mang tầm cỡ quy mô như công ty của tôi... Để trụ được với nghề, anh Hòa khá vất vả, ngoài bỏ vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm công nghệ, thiết bị hiện đại, anh còn tính toán làm thế nào tiết kiệm chi phí trong sản xuất, chẳng hạn: không đúc gang vào giờ dùng điện cao điểm, năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ…

 

Được biết, từ năm 2012, T.P Thái Nguyên đã thực hiện Đề án quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2012-2015. Ngoài vận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để các hộ sản xuất, kinh doanh hưởng lợi, T.P Thái Nguyên đã có nhiều sự ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Điểm nổi bật Thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… hằng năm tổ chức gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có các hộ phát triển ngành nghề TTCN. Song cũng qua khảo sát của chúng tôi  phần lớn các cơ sở sản xuất TTCN nhỏ, lẻ vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất và khó tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Đỗ Đình Điện, Trưởng xóm Gò Chè chia sẻ thêm: Thiếu vốn đầu tư máy làm bún và thị trường tiêu thụ sản phẩm là những khó khăn của các hộ làm nghề bún bánh hiện nay. Anh Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đúc Thái Nguyên bộc bạch: Ngoài doanh nghiệp chủ động, nỗ lực trong sản xuất kinh doanh thì Nhà nước cũng nên thường xuyên có chính sách tín dụng ưu đãi, các tổ chức tín dụng địa phương cần liên kết để hỗ trợ về vốn  cho các cơ sở sản xuất TTCN hoạt động hiệu quả. Bà Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng phòng  Kinh tế T.P Thái Nguyên cũng chung quan điểm: Để TTCN trên địa bàn phát triển, các hộ cần được hỗ trợ về máy móc, công nghệ sản xuất; đặc biệt đối với những cơ sở TTCN chưa có bề dày trong sản xuất, kinh doanh cần được hỗ trợ về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.