Vạn Phái là xã 135 duy nhất của T.X Phổ Yên. Do địa hình khó khăn, thường xuyên thiếu nước sản xuất, nhận thức của bà con nhân dân còn hạn chế nên trước năm 2011, cả xã có đến gần 40% số hộ thuộc diện nghèo. Những năm gần đây, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của người dân nơi đây, cái nghèo đã được đẩy lùi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Xã Vạn Phái có 21 xóm, với 2.110 hộ, trên 9.000 nhân khẩu. Trước đây, khó khăn nhất của xã là đường giao thông đi lại khó khăn. Cùng với đó, do không có hệ thống nước tự chảy nên sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nước trời, bà con vẫn giữ truyền thống canh tác cũ, lạc hậu. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đời sống của nhân dân địa phương luôn chật vật trong đói nghèo. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn nên Vạn Phái dần đổi thay. Con đường nối từ Tỉnh lộ 261 vào trung tâm xã dài hơn 3km được đầu tư xây dựng đã giúp cho người dân nơi đây có điều kiện đi lại thuận tiện, thông thương hàng hóa, khơi dậy được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngoài con đường này, từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn vốn đầu tư theo Chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới, cùng với nhân dân đóng góp, xã đã xây dựng được gần 10km đường bê tông và hơn 4km kênh mương; xây mới, sửa chữa 3 nhà văn hóa, 3 phòng học và một số công trình khác (với tổng trị giá gần 15 tỷ đồng). Những công trình này góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn của xã từng bước thay đổi.
Về Vạn Phái vào đúng những ngày bà con nông dân nơi đây đang nô nức xuống đồng thu hoạch lúa vụ mùa, đi trên con đường bê tông trải dài dẫn thẳng vào trung tâm xã, hai bên là cánh đồng lúa chín vàng óng ả, chúng tôi cảm nhận niềm vui được mùa qua những gương mặt rạng rỡ của bà con. Đồng chí Lê Văn Dần, Bí thư Đảng ủy xã vui mừng cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy được trên 370ha lúa, trong đó có 144ha là các giống lúa lai (như TE, Thiên Ưu…). Mặc dù thời tiết vụ mùa không mấy thuận lợi, gây bất lợi cho sản xuất, nhưng năng suất lúa vẫn đạt hơn 50 tạ/ha (tăng trên 2 tạ so với cùng kỳ năm trước). Có được kết quả này là do xã luôn xác định sản xuất nông nghiệp là chủ đạo ở địa phương, vì thế đội ngũ cán bộ và bà con nhân dân đều nỗ lực tập trung khắc phục những khó khăn đặt ra bằng nhiều biện pháp như: Trích hơn 30 triệu đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ nông dân bơm nước phục vụ gieo cấy lúa; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để phù hợp với điều kiện thời tiết; tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con, đặc biệt là việc đưa các giống lúa lai vào gieo cấy...
Cùng với việc nâng cao hiệu quả thâm canh lúa, để từng bước giảm nghèo, xã đã triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Trong 4 năm gần đây, xã đã tổ chức được 11 lớp đào tạo nghề cho 420 học viên theo học các ngành như: May công nghiệp, chăn nuôi lợn, gà, nghề mộc, nấu ăn… Đồng thời tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân. Qua đó giúp con em trong xã có cơ hội đi làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, đã có 220 người được giải quyết việc làm. Không chỉ tìm được việc làm phù hợp mà từ những kiến thức được học, nhiều người dân đã về đầu tư các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao tại địa phương.
Một trong những mô hình nổi bật là gia đình chị Dương Thị Giang, ở xóm Hạ Vụ 1. Trước đây, gia đình chị Giang là hộ cận nghèo, năm 2007 hai vợ chồng chị ra ở riêng chỉ với căn nhà cấp 4 lụp xụp cùng 2 sào ruộng bố mẹ cho, lại thêm chị đẻ liền 3 đứa con khiến cuộc sống vô cùng vất vả. Nhưng, với bản chất cần cù chịu khó, lại mạnh dạn dám nghĩ dám làm, năm 2008, anh chị vay 20 triệu đồng mua 1 lò ấp trứng gia cầm cùng với một số dụng cụ phục vụ ấp trứng, sau hơn 6 năm đến nay anh chị đã có một cơ ngơi đáng mơ ước, trở thành một trong những hộ giàu nhất vùng quê Vạn Phái. Nói về quá trình vươn lên làm kinh tế, chị Giang tâm sự: Chỉ với 2 sào ruộng thì có cần cù đến mấy thì không đủ nuôi cả nhà, nên tôi nghĩ phải làm gì đó. Đúng lúc đó, xã tổ chức tập huấn về chăn nuôi, tôi liền tham gia. Sau khóa học, tôi về vay 20 triệu đồng để đầu tư mô hình ấp trứng, mẻ đầu tiên cho ra lò trên 500 gà con, bán được 2,5 triệu đồng. Cứ thế, mẻ nọ gối mẻ kia khoảng 20 ngày tôi cho ra một mẻ. Vừa làm, chúng tôi vừa tích cóp dần, đến năm 2010, gia đình tôi đã trả hết nợ, đồng thời từ đó đến nay, tôi không ngừng đầu tư thêm lò ấp trứng để mở rộng quy mô. Đến nay, gia đình tôi có 8 lò, trong đó 3 lò công suất khoảng 2.000 con/mẻ và 5 lò có công suất 6.000 con/mẻ, mỗi tháng tôi cho ra 10 mẻ, với tổng số trên 30.000 con, với giá bán hiện tại 7.000 đồng/con, thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.
Ngoài mô hình ấp trứng gia cầm của gia đình chị Giang, qua các lớp tập huấn do xã tổ chức, nhiều hộ dân đã áp dụng vào xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi lợn, gà, trâu… Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, các dự án, giúp hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách với tổng dư nợ đến nay trên 28 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế ở địa phương, qua đó giúp các các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, hằng năm thực hiện tốt công tác rà soát, giảm hộ nghèo, bình quân hằng năm giảm 4,71%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 13,89%.