Từ tháng 1-2013, Dự án Làng văn hóa du lịch cộng đồng được triển khai tại T.P Thái Nguyên. Đây là dự án nằm trong Chương trình đối tác đô thị và phát triển kinh tế giữa T.P Thái Nguyên và T.P Victoria (Canada). Vùng chè đặc sản Tân Cương (gồm 4 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu và Quyết Thắng) được chọn để thực hiện Dự án, với 28 hộ dân tham gia. Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã có hiệu quả bước đầu, nhưng đánh giá tổng thể vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Có mặt tại gia đình ông Lê Quang Nghìn, ở xóm Tân Thái 2, xã Tân Cương, chúng tôi được chứng kiến khá đông khách du lịch, trong đó có cả khách nước ngoài đến tham quan, tham gia trải nghiệm hái chè cùng các thành viên trong gia đình. Palina Amtreozva - một sinh viên đến từ Cộng hòa Séc - phấn khởi cho biết: Tôi rất thích thú khi được tới đây tự tay hái, sao chè và thưởng thức trà. Cùng với vườn chè được vệ sinh sạch sẽ, tôi để ý thấy nhà ông Nghìn được trang trí khá gọn gàng, ngăn nắp, có phòng nghỉ, phòng ăn dành riêng cho khách du lịch đến nghỉ tại nhà.
Cách nhà ông Nghìn không xa, vườn chè và khuôn viên của gia đình anh Bùi Trọng Đại cũng được trang trí khá bắt mắt, công phu. Vườn chè được làm đường bê tông xung quanh để khách đến tham quan đi lại thuận tiện, từ cổng vào được gia đình trồng các chậu cây cảnh, trong khuôn viên còn có cả vườn cây, ao cá, thảm cỏ, thảm hoa... Mới bước chân vào cổng chúng tôi đã cảm nhận thấy sự tĩnh tại, không khí mát mẻ, trong lành. Thấy khách đến thăm, chị Ngô Thị Vân (vợ anh Đại) niềm nở đón vào nhà. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, trước kia gia đình chị chỉ thuần túy sản xuất chè. Từ tháng 1-2013, khi Dự án Làng văn hóa du lịch cộng đồng triển khai, gia đình chị và 6 hộ dân khác trong xã được lựa chọn tham gia các lớp tập huấn về nấu ăn, đón tiếp khách, trang trí nhà cửa, vệ sinh vườn bãi; học ngoại ngữ và mở dịch vụ... tại gia. Chính vì vậy mà khi có khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến nghỉ, các thành viên trong gia đình không còn lúng túng và có thể nói được những câu giao tiếp tiếng Anh đơn giản để đón khách. Chị Vân cho biết thêm: Ngoài thái độ phục vụ khách niềm nở, khi du khách có nhu cầu ăn nghỉ tại nhà, gia đình thường chuẩn bị các món ăn cho khách, không quá cầu kỳ nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi vậy gia đình nào làm du lịch tại đây cũng tự trồng một vườn rau sạch, cá dưới ao, gà thả trong vườn... khách đến ăn đều cảm thấy ngon và cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên.
Chia sẻ về thu nhập từ cách làm du lịch như trên, nhiều hộ dân ở đây cho biết: Tuy thu nhập từ việc phục vụ khách tham quan và lưu trú tại gia đình không đáng kể, xong họ đã thu nhận được nhiều điều mới mẻ, mở rộng được tầm nhìn từ chính các du khách, vì mỗi du khách khi đến là một kênh thông tin kết nối để giới thiệu các sản phẩm chè cho đông đảo bạn bè và người thân của họ. Cũng từ những đoàn khách, những gia đình làm du lịch cũng đã kí kết được nhiều hợp đồng bán chè giá trị. Tuy nhiên, những gia đình được tham gia Dự án như anh Nghìn, anh Đại cũng thừa nhận phát triển du lịch cộng đồng về lợi ích của các hộ tham gia chỉ dừng lại ở việc bán được nhiều sản phẩm hơn, chứ chưa tận dụng hết cơ hội để làm kinh tế từ mô hình du lịch này, vì khách đến ăn, nghỉ qua đêm là rất ít, do vậy không khai thác được nhiều từ dịch vụ ăn uống cũng như nghỉ qua đêm. Cũng từ việc khách ít nghỉ qua đêm nên không có cơ hội giới thiệu thêm văn hóa mang bản sắc vùng miền của địa phương.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Cương cũng cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm đặc sản chè, từ đó giúp người dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, ngoài những thành công bước đầu, mô hình còn tồn tại một số hạn chế dễ nhận thấy đó là: Sự thiếu chuyên nghiệp trong cách làm du lịch của các hộ dân, trong cách quảng bá du lịch. Cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn thiếu và sơ sài, đặc biệt, các hộ dân còn thiếu sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm du lịch. Sự thiếu liên kết này còn diễn ra giữa các hộ dân với cơ quan quản lý và các trung tâm lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh. Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty Du lịch Dạ Hương (T.P Thái Nguyên) cũng đề nghị tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng “Vùng chè đặc sản Tân Cương” T.P Thái Nguyên: Thành phố, đặc biệt là Phòng Văn hóa, cần phối hợp với Hội Doanh nghiệp để làm cầu nối giúp người dân với các đơn vị kinh doanh du lịch có được sự liên kết chặt chẽ trong quá trình triển khai Dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng bá du lịch.
Hy vọng rằng, những chia sẻ nêu trên sẽ được những cơ quan chức năng Thành phố, những người trực tiếp thực hiện mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng “Vùng chè đặc sản Tân Cương” lưu tâm để thực hiện đạt hiệu quả như mong muốn, trước mắt cần rút kinh nghiệm, phối hợp tốt để đón khách trong dịp Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 3, năm 2015 sắp diễn ra.