Việc được mùa, mất giá, đối với một số mặt hàng nông sản ở nước ta thời gian qua đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, ngô mất mùa nhưng vẫn rớt giá. Hiện tại, người dân ở đây chỉ bán được từ 4.400 - 5.300 đồng/kg ngô (thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây). Việc giá ngô xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người trồng ngô trên toàn địa bàn huyện…
Từ nhiều năm nay, ngô đã trở thành cây trồng chính của phần đông người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai, nhất là ở những vùng người dân không có điều kiện cấy lúa. Một phần sản phẩm của cây trồng này được người dân dùng làm thức ăn chăn nuôi, số còn lại đem bán để lấy tiền mua thóc ăn và chi tiêu trong gia đình. Chính vì vậy, giá ngô giảm, người trồng có thu nhập thấp khiến đời sống gặp nhiều khó khăn…
Theo người dân trồng ngô ở đây cho biết, sở dĩ sản lượng ngô vụ xuân năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ, bởi vào thời điểm ngô phơi màu thì gặp nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn khiến bắp không to, hạt ngô không đều. Nhiều diện tích ngô do ảnh hưởng của thời tiết nên xuất hiện tình trạng ngô ra 3 bắp/cây đã cho sản lượng thấp. Đến thời kỳ ngô chuẩn bị thu hoạch thì thời tiết lại có mưa kéo dài nên xuất hiện hạt ngô bị nấm mốc và mọc mầm. Ông Hoàng Văn Tiếp, xóm Là Lu, xã Tràng Xá ngậm ngùi: Nhà tôi trồng 3ha ngô nên phải mua 40kg giống với tổng số tiền gần 5 triệu đồng; 2 tấn phân lân, 1 tấn đạm hết hơn 20 triệu đồng; công trồng, công phun, thu hoạch cũng mất hơn 10 triệu đồng nhưng năng suất chỉ đạt gần 40 tạ/ha. Nếu như năm trước, giá ngô ở thời điểm đầu mùa là 6.000 đồng/kg, sau đó tăng lên mức 6.400 đồng/kg thì trồng 1kg ngô giống chúng tôi để ra được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Còn ở mức giá trên dưới 5.000 đồng/kg như hiện tại thì chúng tôi trồng ngô không có công nên nhiều gia đình thu hoạch về để đống trong kho…
Ông Hoàng Văn Thanh, Trưởng xóm Na Bả, xã Phương Giao, cho biết: Trong xóm có 68 hộ dân thì đến 90% số hộ trồng ngô với diện tích ngô gần 140ha. Người dân trong xóm chỉ bán được ngô ở mức 4.400 đồng do giao thông khó khăn nên thương lái ép giá. Ngô thu hoạch về để mọc mầm trong kho do khó bán, trong khi đó, nhiều gia đình vẫn còn nợ đại lý tiền mua giống, phân bón…
Quan tìm hiểu chúng tôi được biết, Võ Nhai là một trong những huyện có diện tích ngô lớn nhất của tỉnh, mỗi năm diện tích trồng ngô đạt hơn 6.000ha, sản lượng trung bình đạt gần 28 nghìn tấn/năm (chiếm gần 55% sản lượng lương thực của huyện). Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai, việc tiêu thụ ngô ở huyện là do phần lớn thương lái đến thu mua để cung cấp cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc. Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi của các cơ sở chế biến giảm và giá ngô nhập khẩu vào nước ta rẻ có thể là nguyên nhân chính dẫn đến ngô rớt giá. Hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký kết thu mua theo hướng bao tiêu sản phẩm nên việc giá ngô vẫn bấp bênh…
Theo các chuyên gia kinh tế, diện tích ngô ở một số nước lân cận nước ta (Lào, Trung Quốc) ngày càng mở rộng. Các nước đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, sản lượng tăng cao, chi phí sản xuất thấp, vì vậy, khi nhập ngô vào nước ta giá bán ra thấp hơn giá bán ngô trong nước. Vậy có nên giảm dần diện tích ngô và thay thế cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn đang là câu hỏi cấp thiết đối với các cấp, ngành ở huyện Võ Nhai?