Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Cùng với đó, một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị ký kết mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi hàng rào thuế quan đối với mặt hàng này hầu hết được dỡ bỏ về mức 0%.
Tuy nhiên, thách thức trong vấn đề này không nhỏ bởi các mặt hàng nông sản của ta lâu nay đều phát triển kém bền vững, chất lượng sản phẩm không cao, hầu hết xuất khẩu dưới dạng thô dẫn tới giá trị thấp.
Phát triển kém bền vững
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước 8 tháng năm 2015 đạt 19,3 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,18 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt giảm rất mạnh ở các mặt hàng cà phê (33,1%), cao su (10,2%) và gạo (13,1%). Khi Việt Nam đang tham gia hội nhập kinh tế thế giới, việc các mặt hàng từ nông sản đến thực phẩm đều không phải chịu thuế là cơ hội song cũng là thách thức cho ngành nông nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều nhưng trong đó không thể không kể tới công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, chưa lồng ghép và đưa nội dung phổ biến chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các hình thức tuyên truyền chưa nêu bật được các lợi ích mang lại từ việc thực thi các hiệp định FTA đa phương, khu vực và song phương khiến cho doanh nghiệp, người sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về thách thức trong sản xuất, chế biến, kinh doanh mà họ phải đối diện và có chiến lược phát triển phù hợp. Các chính sách mới trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào tạo động lực cho các thành phần kinh tế tự huy động nội lực, chưa đầu tư đầy đủ cho nghiên cứu thị trường, phòng chống rủi ro, phát triển thương mại… nên tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua vẫn theo chiều rộng, sức cạnh tranh yếu.
Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đa số các doanh nghiệp trong nước đều biết về sự vận động của thị trường, nhưng lại không am hiểu về quy trình sản xuất hoặc vì lợi nhuận trước mắt mà cho ra những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, còn tồn dư kháng sinh dẫn tới bị cảnh báo ở thị trường nhập khẩu, làm giảm uy tín của nông sản Việt Nam. Chưa kể, so với các mặt hàng của các nước cùng xuất khẩu, sản phẩm nông sản của ta lại không thể cạnh tranh được vì giá cao hơn và chất lượng kém hơn.
Cách nào nâng cao năng lực cạnh tranh?
Theo các chuyên gia, để hàng nông sản của Việt Nam có thể tham gia hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng với các nước cần phải thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi phương thức canh tác trên quy mô lớn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp trở ngại trong vấn đề chất lượng sản phẩm nếu không thay đổi phương thức sản xuất, mẫu mã, nâng cao chất lượng và sẽ đánh mất thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động hội nhập cần phải thực hiện trong cả quá trình đàm phán và thực hiện FTA để cung cấp căn cứ pháp lý cho quá trình phát triển nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Mặt khác, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản thông qua thực hiện tái cơ cấu sản xuất các ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực để đáp ứng được thị hiếu, yêu cầu của khách hàng tại các thị trường chính, vượt qua được hàng rào thuế theo cam kết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để có thể cạnh tranh với các mặt hàng nông sản nước ngoài, xu hướng của các nước là tích cực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp qua việc thông tin rộng rãi, đầy đủ, kịp thời, minh bạch về các vấn đề tiêu chuẩn, thủ tục kiểm soát và thực thi hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bộ, ban, ngành cần cung cấp thông tin thị trường cho những mặt hàng chủ lực và thị trường chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động đầu tư, định hướng kinh doanh, xây dựng quan hệ đối tác. Đồng thời, dựa vào lợi thế so sánh của ngành hàng và vùng sản xuất cùng với đặc điểm và tiềm năng của thị trường chính để có kế hoạch thu hút đầu tư, tổ chức sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đặc biệt là ở các khâu sau thu hoạch. Dựa trên định hướng thị trường, xác định đối tác, tổ chức các hoạt động dịch vụ hậu cần, kênh phân phối để xúc tiến thương mại và phát triển thị trường hiệu quả nhất cho nông sản xuất khẩu.