50 năm cây chè bén rễ trên đất ATK

08:00, 31/10/2015

Cây chè đã bén rễ trên đất ATK Định Hóa hơn 50 năm nay trở thành cây trồng chủ lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện. Những năm gần đây, huyện Định Hóa đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của cây trồng này...

Về với Làng nghề chè truyền thống Sơn Phú, xã Sơn Phú (gồm có 2 thôn Phú Hội 1, Phú Hội 2) - nơi có 100% hộ dân trồng chè chúng tôi thỏa thuê ngắm những đồi chè xanh ngắt, trải rộng trên những triền đồi thấp. Ông Vũ Văn Đắc, một hộ dân thôn Phú Hội 1 cho biết: Gia đình tôi có khoảng 2 mẫu chè, trong đó chè kinh doanh là 1,5 mẫu, mỗi năm cho thu hái được 6-7 lứa, mỗi lứa được gần 2 tạ chè búp khô. Với giá bán dao động từ 120 đến 150 nghìn/kg và có loại cao nhất được 220 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng trên 70 triệu đồng/năm. Cây chè đã đem lại no ấm cho bà con trong thôn...

 

Định Hóa hiện có trên 2.400ha chè, trong đó chè kinh doanh là 1.960ha. Các xã có diện tích chè lớn nhất là: Bình Thành (316ha), Sơn Phú (266ha), Điềm Mặc (210ha), Phú Đình (187ha), Bộc Nhiêu (181ha)... Qua tìm hiểu thực tế tại những nơi trồng nhiều chè ở các xã trên, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ chính cây chè. Ông Đặng Ngọc Hà, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè truyền thống Sơn Phú cho biết: 2 xóm Phú Hội 1, Phú Hội 2 hiện có 76hộ với 265 nhân khẩu. Hiện nay, tổng diện dích chè của 2 thôn là 35ha với 100% là chè cành với chủ yếu các giống: TRI777, LDP1, Kim Tuyên, Bát tiên... Nhờ có cây chè mà những năm qua, đời sống của bà con ở 2 thôn đã và đang từng bước được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2011 số hộ nghèo của 2 thôn còn 26 hộ thì đến nay chỉ còn 8 hộ.

 

Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, huyện Định Hóa xây dựng Kế hoạch phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè giai đoạn 2011 - 2015 với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương. Theo đó, để chủ động nguồn giống phục vụ cho việc trồng mới, trồng lại chè, UBND huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn các chủ vườn ươm chè chuẩn bị đủ nguồn giống phụ vụ cho việc trồng chè. Đến nay, toàn huyện đã có 11 vườn ươm chè giống, mỗi năm ươm được 1.237 vạn cây (tương đương khoảng 450ha) chủ yếu các giống: LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Bát Tiên... Cũng từ năm 2011 đến nay, huyện đã chỉ đạo và khuyến khích người dân trồng được trên 1.000ha chè, trong đó trồng mới được 611ha và trồng thay thế trên 390ha chè.

 

Song song với việc cải tạo diện tích chè già cỗi bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao, UBND huyện Định Hóa còn quan tâm xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, các làng nghề truyền thống và các mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP. Huyện có 7 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã, 5 làng nghề sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuân VietGAP đã được cấp giấy chứng nhận. Trong 5 năm qua, huyện cũng đã tổ chức được 114 lớp tập huấn sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho 5.520 lượt người.... Nếu như năm 2011, giá chè búp tươi (đối với chè trung du, chè giống mới trồng bằng phương pháp giâm cành có giá từ 4 đến 5 nghìn đồng/kg thì nay đã là 8 đến 26 nghìn đồng/kg. Hiện sản phẩm chè búp khô đóng gói của các làng nghề chè, hợp tác xã chè cũng có giá từ 150 đến 240 nghìn đồng/kg (tăng từ 80 đến 120 nghìn/kg so với giai đoạn trước). Ngoài ra, huyện cũng có nhiều hoạt động nhằm quảng bá sản phẩm chè ở các làng nghề, hợp tác xã trong huyện như: tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm chè tại 2 kỳ Festival Trà, các hội chợ thương mại, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn....

 

Tuy nhiên, theo đánh giá, chè Định Hóa phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa được chú trọng đầu tư thâm canh, cơ cấu chè cành giống mới trồng chiếm tỷ lệ nhỏ, năng suất, chất lượng nhìn chung chưa cao, việc chế biến tiêu thụ sản phẩm phần lớn vẫn thủ công theo hộ gia đình, sản phẩm tiêu thụ phần lớn không có địa chỉ nhãn mác, diện tích sản xuất chè vụ đông có ứng dụng tưới phun, chè theo tiêu chuẩn VietGAP rất ít... nên hiệu quả sản xuất thấp. Do có sự chuyển dịch lao động, phần đông thanh niên đi làm ăn xa tại các công ty trong và ngoài tỉnh nên lao động làm nông nghiệp giảm mạnh. Vào vụ, việc thu hái chủ yếu bằng máy hái, chế biến bằng bằng phương pháp phơi nắng, dẫn đến chất lượng và giá trị của chè thấp.

 

Nói về định hướng phát triển cây chè ở huyện trong những năm tới, ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, trong những năm tới, huyện tập trung vào việc tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi giống chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu chè búp tươi; mở rộng diện tích thâm canh chè cao sản VietGAP; tiếp tục đẩy mạnh, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua các mô hình điểm, có các cơ chế hỗ trợ đối với các làng nghề, tổ hợp tác sản xuất chè an toàn; mở rộng diện tích sản xuất chè đông ở những nơi có đủ điều kiện về trình độ thâm canh, thủy lợi; tập trung xây dựng, hình thành các tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm chè, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè của huyện; tạo cơ chế gắn kết "4 nhà", đặc biệt là gắn kết nhà máy chế biến chè với nông dân trồng chè trên địa bàn theo hướng tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy để sản xuất chè xanh chất lượng cao.