Đường lên xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) hôm nay vẫn nhấp nhô đá cuội, chênh vênh, uốn lượn men theo sườn núi. Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi men theo tuyến đường điện để vào xóm. Những trục dây to tròn, đen nhánh được kéo qua trùng điệp núi cao, vực sâu rồi vươn dài, mang ánh sáng về cho người dân nơi đây. Được biết, bằng nội lực của chính mình, bà con đã tự thắp lên “ánh sáng no ấm”, xua dần cái đói nghèo vốn hiện hữu bao năm qua.
Nỗ lực phát triển kinh tế
Dù có trợ thủ là anh bạn “tay cơ” lái xe đường rừng, nhưng chúng tôi vẫn phải xuống đẩy nhiều lần thì xe máy mới vượt qua được những hòn đá cuội, đá hộc nằm dưới suối, rồi leo lên những con dốc dựng đứng nhấp nhô đá để vào xóm. Anh Triệu Đức Thành, sinh năm 1992, Trưởng xóm kiêm Bí thư Chi đoàn xóm Khe Rạc cho biết: Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước nên người dân nơi đây đã được thụ hưởng nhiều chính sách, xóa đói giảm nghèo (như cho vay vốn hộ nghèo, Chương trình 135…). Nhân dân trong xóm cũng tự mình vươn lên phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước cải thiện đời sống.
Bà con bắt đầu biết đưa giống lúa mới về trồng; cùng nhau đóng góp ngày công lao động để nạo vét, đào đắp kênh mương dẫn nước từ đập về đồng ruộng phục vụ sản xuất. Các giống lúa lai 2 dòng, 3 dòng được người dân mạnh dạn đưa vào gieo cấy, nhờ đó năng suất đã đạt 1,5 tạ/sào (cao hơn 30kg/sào so với các giống cũ). Đối với những chân ruộng thiếu nước cấy, bà con chuyển sang trồng các loại cây màu khác như sắn, ngô... việc đưa cây ngô lai 9999, NK 4300 vào trồng đã giúp tăng năng suất lên 1,4 tạ/sào, cao gấp đôi so với trước đây. Đặc biệt, từ năm 2010, cây khoai mì bắt đầu bén rễ, từ một vài hộ trồng đến nay đã có hơn 20 hộ trồng với tổng diện tích gần 40ha. Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, sản lượng mỗi năm ước đạt khoảng 25-30 tấn, thu về hàng trăm triệu đồng. Tận dụng lợi thế đồi rừng, nên phong trào trồng rừng tại xóm cũng phát triển mạnh. Hiện xóm có khoảng hơn 20ha rừng trồng, chủ yếu là các loại cây như keo, quế… Cây chè, tuy diện tích không nhiều (khoảng 8ha), nhưng cho người dân thu nhập đều, hầu hết các hộ làm chè đều mua sắm được máy tôn quay chè. Bên cạnh việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Khe Rạc cũng có nhiều đổi mới, bà con không chăn thả rông như trước nữa mà đã biết chăn nhốt và làm chuồng riêng cho từng con vật. Mỗi nhà đều có từ 5 - 10 con lợn, trâu, bò, gà…Nhờ vậy, đời sống người dân có phần cải thiện hơn trước.
Điện sáng, no ấm tìm về
Xóm Khe Rạc có 55 hộ với 240 nhân khẩu, 100% số hộ là người dân tộc Dao. Địa hình đồi núi phức tạp, giao thông khó khăn nên cách trạm điện, trung tâm xã chỉ hơn 3km nhưng đến nay xóm vẫn không có điện. Người dân nơi đây vốn cần cù, nỗ lực sản xuất, phát triển kinh tế, nhưng thiếu điện, nên mọi hoạt động đều bị ngưng trệ. Không có điện bà con không có thông tin để kết nối với thế giới bên ngoài, không tiếp cận với máy móc, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, việc học hành của con em cũng gặp hạn chế hơn. Cơn “khát điện” chưa bao giờ thỏa với người dân Khe Rạc khi ngày ngày họ vẫn phải sống trong cảnh tối tăm, mù mịt. Để có điện, nhiều hộ dân có điều kiện dùng tua pin, tận dụng nguồn nước suối để làm máy phát điện. Các hộ khó khăn hơn dùng bằng nến, thắp đèn dầu…
Trước thực cảnh đó, tháng 5-2014, xóm tổ chức nhiều cuộc họp dân để bàn việc kéo điện. Theo đó, đường điện được kéo từ trạm biến áp Na Giang với công suất 220 KVA. Mỗi hộ dân đóng góp từ 4 - 9 triệu đồng tùy thuộc vào chiều dài từ trạm điện về tới hộ gia đình mình. Mỗi hộ lắp một công tơ và cả xóm có một công tơ tổng. Trưởng xóm là người chịu trách nhiệm xem số điện cho từng hộ và thanh toán tiền điện theo công tơ tổng. Dù địa hình vào xóm phức tạp, nhưng để có điện người dân vẫn hăng hái, đoàn kết, phân chia đầu việc để làm, người căng dây, người chôn cột…sau 4 ngày lắp đặt, ánh điện đã sáng rực trên các căn nhà, một cuộc sống mới ở Khe rạc như được hồi sinh.
Bên chén trà sánh vàng, thơm đượm, anh Triệu Tiến Thọ không giấu nổi niềm vui: Nhà tôi gần trạm nên tổng kinh phí kéo hết 4 triệu đồng. Số tiền ấy, đối với gia đình là rất lớn, nhưng không thể chịu cảnh tối tăm và trông chờ Nhà nước mãi được. Từ khi có điện đời sống của gia đình thay đổi nhiều lắm, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt, máy móc để phục vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất như ti vi, quạt điện, máy tôn quay chè… Với 7 sào chè, thu hái từ 6-7 lứa/năm, hơn 3 sào ruộng, gần 3ha rừng, chăn nuôi thêm lợn, gà… mỗi năm anh cũng thu nhập được từ 70-80 triệu đồng, trở thành một trong những hộ thoát nghèo của xóm.
Nhờ sự nỗ lực, tự thân vận động, chính người dân nơi đây đã mang về “luồng gió mới” cho quê mình. Có ánh sáng điện, cuộc sống bớt nhọc nhằn, no ấm hơn. Nhiều gia đình mua sắm được thiết bị, máy móc phục vụ cho cuộc sống, nâng cao năng suất lao động. Hiện, xóm có khoảng trên 10 hộ có tủ lạnh, 30 hộ có ti vi, 45 hộ có máy cày, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, máy tôn sao chè… Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 64% năm 2010 xuống còn 39% hiện nay, số hộ khá tăng lên, không còn hộ đói.... Phong trào văn hóa, thể thao của xóm ngày càng được người dân chú trọng tham gia. 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, đặc biệt, trong những năm gần đây, số con em theo học chuyên nghiệp ngày càng nhiều ở các lĩnh vực như y tế, hành chính, giáo dục…Các hộ dân đang tích cực đóng góp kinh phí để xây nhà văn hóa, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Dù rất cố gắng nhưng vẫn còn gần nửa số hộ chưa có điện vì nằm xa trung tâm xóm, kinh tế khó khăn, đường vào xóm vẫn ghập ghềnh, khó đi… Đây là những điều khiến lãnh đạo xóm còn trăn trở. Chuyện tự kéo điện, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, của xóm người Dao Khe Rạc thể hiện sự đoàn kết, phát huy nội lực trong dân mà không phải xóm, bản vùng cao nào cùng làm được. Để khắc phục những khó khăn trên, xóm vẫn cần các cơ quan, ban ngành vào cuộc như một sự đồng hành. Đó cũng là mong mỏi của ông Triệu Tiến Hiện, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn và nhân dân Khe Rạc.