Để giúp đồng bào người Mông vượt qua khó khăn, vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống, ngày 16-9-2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2037/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (viết tắt là Đề án 2037). Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đời sống của đồng bào ở các xóm, bản ngày càng no ấm hơn…
Cầm bắp ngô no tròn trên tay, bà Lý Thị Pá, ở bản Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) nói vui: Ngô 2037 đó. Còn ông Lý Văn Sài, người cùng bản Lũng Luông, bảo: Nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước về phân bón và hạt ngô giống theo Đề án 2037, gia đình tôi có điều kiện gieo trồng hết diện tích. Tôi không biết nhà mình có bao nhiêu mét vuông đất trồng ngô, nhưng so với các vụ trước, thấy trong nhà có nhiều hạt bắp hơn.
Được mùa ngô, đồng nghĩa với cuộc sống trên bản người Mông sẽ no ấm hơn. Ông La Văn Día, Trưởng bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) cho biết: Giống như người Mông ở các xóm, bản khác, bà con ở Mỏ Chì được Nhà nước hỗ trợ giống ngô và phân bón theo Đề án 2037 (trong hai năm 2014, 2015, bà con đã 2 lần nhận ngô lai giống, với 3kg/lần). Cũng nhờ có Đề án 2037, bản mình đã có đường bê tông, đời sống của bà con đang từng bước giảm bớt khó khăn.
Ông Triệu Minh Thái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 47 xóm, bản thuộc 18 xã của 4 huyện (Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa) có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Với tổng số 1.521 hộ, 7.792 nhân khẩu, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, khoảng trên 50%, đặc biệt là 4 xóm: Lân Đăm, xã Quang Sơn; Mỏ Nước, Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) và xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) có 100% số hộ nghèo. 5 xóm, bản: Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc; Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) và xóm Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 70 đến 85%.
Để giúp đồng bào dân tộc Mông vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, UBND tỉnh đã ban hành Đề án 2037. Việc triển khai thực hiện Đề án có mục tiêu là hình thành các nhóm hộ sản xuất, đưa tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát huy thế mạnh, lợi thế của từng vùng, tăng thu nhập cho người dân; phấn đấu giảm hộ nghèo ở các xóm, bản trong Đề án bình quân mỗi năm từ 4% trở lên theo chuẩn nghèo trong từng giai đoạn… Tuy Đề án mới được triển khai nhưng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống của đồng bào. Sở Nông nghiệp - PTNT đã thực hiện hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai đến hầu hết các hộ người Mông nghèo và cận nghèo, trong đó năm 2014 hỗ trợ cho bà con gieo trồng 308ha; năm 2015, hỗ trợ cho bà con gieo trồng 754ha. Một số công trình như: Điện sinh hoạt, nhà lớp học, nhà văn hoá… đang từng bước được triển khai thực hiện. Đặc biệt là 15 tuyến đường bê tông về bản người Mông đã được thi công hoàn thiện, đưa vào sử dụng phục vụ đời sống của đồng bào. Tổng chiều dài các tuyến đường là 42,72km, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 25 tỷ đồng, nguồn vốn đóng góp tài trợ của doanh nghiệp hơn 2 tỷ đồng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức đóng góp ủng hộ được hơn 7,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 5.000 ngày công lao động (tương đương gần 900 triệu đồng). Liên quan đến các tuyến đường về bản người Mông, 188 hộ dân đã tự nguyện hiến gần 41.000m2 đất, tương đương 12 tỷ đồng.
Trưởng bản Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), ông Phùng Văn Lành cho biết: Dân trong bản đã có đường đi thuận lợi, vào vụ trồng cây ngô, nhân dân được nhận phân bón, hạt giống hỗ trợ, nên việc gieo trồng cây lương thực của mọi gia đình thuận lợi hơn. Mới đây, cán bộ khuyến nông của huyện đã về bản mở lớp hướng dẫn cho bà con học tập mô hình chăn nuôi bò theo Quyết định 2037/QĐ-UBND của tỉnh. Nhờ được tập huấn, trình độ chăn nuôi bò của bà con được nâng cao. Song do hầu hết bà con trong bản đang thiếu vốn đầu tư cho chăn nuôi, nên có nguyện vọng được Nhà nước hỗ trợ bò giống để làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…
Chạng vạng chiều, mặt trời vội trốn xuống núi, từ những nóc nhà trong bản người Mông bắt đầu ấm lửa, những người đàn bà ngưng tay se sợi để lo bữa cơm chiều cho gia đình. Chúng tôi cũng vội cho xe máy đổ dốc đường bê tông xuống núi. Trên suốt đường đi, trong tôi miên man nhớ tới câu chuyện cùng những con người lành hiền như đá núi, đó là các bác Sùng Văn Khín, Lầu Văn Lý, Mã Văn Lý ở bản Lũng Luông (Thượng Nung); bác Mạ Văn Pá, Lý Văn Páo, Lầu Văn Bằng ở bản Tân Tiến (Dân Tiến) huyện Võ Nhai… Cuộc đời của họ từng như cánh chim lang thang tìm tổ ấm, trôi dạt theo các triền rừng từ vùng đất biên viễn Cao Bằng, Lạng Sơn rồi về đến Thái Nguyên đậu lại. Giữa khó khăn của những ngày mới lập làng, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế chính sách quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào từng bước ổn định cuộc sống… Cầm bàn tay tôi, bác Khín nói lời hò hẹn: Độ xuân tới anh về lại bản, lúc ấy là mùa gieo hạt ngô, mùa uống rượu, thổi khèn mừng năm mới. Mừng nhất là “cái” 2037 về, trong bản không còn có hộ đói ngày giáp hạt.