Với 22 chi nhánh ngân hàng đầu mối hiện có mặt trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã và đang đóng góp rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của các tầng lớp dân cư, qua đó giúp hạn chế tệ nạn xã hội, ổn định trật tự an ninh, xã hội...
Theo đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, một trong những kết quả nổi bật của hệ thống NH trên địa bàn tỉnh thời gian qua là thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN Việt Nam, đồng thời bám sát các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh để triển khai thống nhất trong toàn ngành, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2010-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
Với vai trò là trung tâm trung chuyển vốn của nền kinh tế trên địa bàn, hệ thống NH tỉnh những năm qua luôn chú trọng thực hiện tốt 3 chức năng chính là huy động vốn, cho vay và đảm bảo thanh toán cho nền kinh tế; cùng với đó là phát triển dịch vụ tiện ích NH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, trọng tâm là các chương trình KT-XH của tỉnh. Bình quân 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 22,44%/năm; dư nợ cho vay luôn giữ được tốc độ tăng trưởng dương, bình quân đạt 16,88%/năm. Chỉ tính 3 năm trở lại đây (từ 2012-2014), tổng doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2015, doanh số này lên tới gần 49 nghìn tỷ đồng, với hàng trăm nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Đáng chú ý, dù nguồn vốn rót ra thị trường không hề nhỏ nhưng chất lượng tín dụng luôn được các NH kiểm soát theo chuẩn mực; tỷ lệ nợ xấu thường xuyên ở mức 1%/năm (thấp hơn nhiều so với bình quân chung toàn ngành). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên...
Là tỉnh có cơ cấu ngành nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn, do đó, chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn luôn được hệ thống NH quan tâm chú trọng. Hiện, trong tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 30.350 tỷ đồng, thì dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp là 5.611 tỷ đồng, chiếm 20%, tăng 2.083 tỷ đồng so với năm 2010, với hơn 121 nghìn hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp còn dư nợ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các chính sách tín dụng luôn có sự thay đổi, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như doanh nghiệp (DN). Nếu như trước đây, người dân chỉ có thể được vay tối đa 10 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo, sau đó là 50 triệu đồng thì nay, theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, số tiền vay tín chấp đã lên tới 100 triệu đồng (đối với hộ sản xuất), 300 triệu đồng (đối với hộ kinh doanh), 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại… với lãi suất ưu đãi (thường thấp hơn lãi suất thông thường cùng kỳ hạn trên dưới 2%/năm). Hay như đối với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, mức vay cũng ngày càng được nâng lên ở một số chương trình như hộ nghèo, cận nghèo… từ mức tối đa 30 triệu đồng được nâng lên 50 triệu đồng; hộ mới thoát nghèo từ tháng 9-2015 này cũng đã trở thành đối tượng được vay… Nhờ các nguồn vốn tín dụng này, hàng vạn gia đình đã có điều kiện được nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm dần tỷ lệ đói nghèo của tỉnh. Nói như ông Đồng Văn Việt, xóm Trung, xã Tân Hương (T.X Phổ Yên) thì việc triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nông dân đã và đang được các NH trên địa bàn thực hiện rất tốt và những người nông dân cũng như DN đang được hưởng lợi rất lớn từ nguồn vốn này.
Cũng nằm trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các NH chủ động cho vay tại 35 xã thí điểm và các xã không thí điểm. Tính đến cuối tháng 8-2015, dư nợ cho vay nông thôn mới trên địa bàn đạt 2.203 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2014, với trên 46 nghìn hộ và 115 doanh nghiệp còn dư nợ. Đến nay, toàn tỉnh có 29/35 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn cho vay của các NH.
Cùng với nông nghiệp - nông thôn, thực hiện các chủ trương của Chính phủ cũng như của tỉnh trong việc tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp khách hàng nhất là các DN được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, dễ dàng, 2 năm gần đây, thông qua Chương trình “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp”, hệ thống NH trên địa bàn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc cho vay mới, cơ cấu lại nợ, nâng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất các khoản vay cũ với tổng giá trị hợp đồng trên 7.600 tỷ đồng. Với chương trình bình ổn thị trường, các NH thực hiện cho vay đối với DN được UBND tỉnh phê duyệt tham gia chương trình với số tiền cam kết 45 tỷ đồng. Qua các chương trình này, nhiều DN, hộ sản xuất, kinh doanh đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động và từng bước mở rộng thị trường…
Ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty Xi măng Quang Sơn (Đồng Hỷ) đánh giá rất cao vai trò của ngành NH đối với sự phát triển của Công ty từ khi xây dựng dự án cho đến khi đi vào hoạt động ổn định như hiện nay. Ông Ký cho rằng nếu không có nguồn vốn hỗ trợ kịp thời và những chia sẻ khi gặp khó khăn từ phía NH thì có lẽ, Công ty đã không thể tồn tại và có được chỗ đứng như ngày hôm nay. Cũng chính nhờ làm ăn hiệu quả, mà Công ty Xi măng Quang Sơn đã được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên nâng hạn mức tín dụng từ 100 tỷ đồng (năm 2012) lên 170 tỷ đồng (năm 2014) và từ tháng 7-2015 là 250 tỷ đồng. Nhờ vậy Công ty đã có thêm dòng tiền để kinh doanh, giúp tăng sản lượng bán hàng, từ đó tăng hiệu quả trong hoạt động nên thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện và việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước cũng được nâng lên.
Ông Bùi Văn Khoa cũng cho rằng, kết quả hoạt động của hệ thống NH nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng những năm qua đã góp phần quan trọng ổn định tiền tệ, ngăn chặn lạm phát, đảm bảo hệ thống thanh toán chung cho toàn nền kinh tế, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt trên 13%/năm. Và với hệ thống NH khá hùng hậu hiện nay, khách hàng đã, đang và sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn những NH mà mình cho là phù hợp để trở thành đối tác. Về phía các NH, để có được khách hàng, cũng buộc phải đưa ra những chính sách tốt nhất để có sự cạnh tranh cả về lãi suất, thái độ phục vụ cũng như chế độ chăm sóc khách hàng.
Toàn tỉnh hiện có 22 chi nhánh NH đầu mối, trong đó có 7 NH thương mại nhà nước, 13 NH thương mại cổ phần, 1 chi nhánh NH nước ngoài, 1 chi nhánh NH Chính sách xã hội. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có NH Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên, 2 quỹ tín dụng nhân dân, 1 tổ chức tài chính vi mô và 10 chi nhánh cấp II đặt tại các huyện, thành phố, thị xã thuộc NH Nông nghiệp và PTNT; 75 phòng giao dịch trực thuộc các NH có trụ sở tại tỉnh; 5 quỹ tiết kiệm, 157 máy rút tiền tự động ATM và 306 máy POS được kết nối liên thông với nhau.