Được xác định là một trong 3 phong trào lớn của Hội, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có trên 102 nghìn hộ hội viên đăng ký tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Bên cạnh việc tổ chức phát động ký kết giao ước thi đua, các cấp Hội Nông dân đã tích cực đẩy mạnh chương trình liên kết 4 nhà, ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành tổ chức hơn 1.800 buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hơn 131 nghìn lượt hội viên nông dân tham dự. Qua đó, các hội viên nông dân được nâng cao kiến thức, trình độ về khoa học công nghệ mới đưa vào ứng dụng trong trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương thiệu cho sản phẩm.
Xác định vốn đầu tư cho sản xuất là một trong những khó khăn chủ yếu của nông dân, trong những năm qua, công tác hỗ trợ về vốn được các cấp Hội quan tâm, triển khai thực hiện. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang quản lý nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền là 15,580 tỷ đồng, đang triển khai cho vay tại 48 dự án, cho 643 hội viên nông dân vay để xây dựng mô hình kinh tế. Tỉnh hội cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách - Xã hội nhận ủy thác với số tiền 679 tỷ 300 triệu đồng cho 30.426 hội viên vay, thành lập 976 tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, Tỉnh hội tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả Đề án sản xuất và tiêu thụ nấm tỉnh Thái Nguyên, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho người sản xuất chè. Đến nay, đã cấp được 771 giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ gia đình tham gia. Đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... Các cấp Hội còn vận động nông dân đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm làm ăn, vốn, vật tư, cây con giống góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Từ trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện hàng trăm mô hình làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế trang trại, ngành dịch vụ…
Điển hình như hội viên Mạc Thanh Hải, ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đã áp dụng quy trình sản xuất chè theo hướng VietGAP và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Hay như ông Vũ Ngọc Quýnh, ở xã Yên Đổ (Phú Lương), trước đây là chủ của một Gara sửa chữa ô tô, nhận thấy tuổi đã cao nên ông quyết định chuyển sang trồng nấm mộc nhĩ. Sau hơn 1 năm làm nghề mới này, kinh tế gia đình ông đã có bước phát triển. Cơ sở sản xuất nấm của ông năm vừa qua thu về hơn 700 triệu đồng. Từng đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hội viên Nguyễn Công Chức, xã Hoàng Nông (Đại Từ) chia sẻ: “Thông qua các lớp tập huấn kiến thức do các cấp Hội Nông dân tổ chức, chúng tôi được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó thay đổi được tư duy, cách làm, năng suất và hiệu quả kinh tế có sự thay đổi rõ rệt”.
Từ việc thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhận thức, cũng như đời sống vật chất, tinh thần của hội viên được nâng lên. Chính vì vậy đã tạo điều kiện cho hội viên tham gia các hoạt động, phong trào khác của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đến nay diện tích đất được hội viên nông dân hiến là trên 74.000m2, đóng góp gần 36.000 ngày công lao động; làm đường, kiên cố, làm mới, sửa chữa 349km đường giao thông liên thôn, liên xóm; làm mới, sửa chữa 144 cầu, cống với tổng số tiền do dân đóng góp là 21,597 tỷ đồng…
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân trong toàn tỉnh, giúp họ đổi mới cách nghĩ, cách làm, sử dụng đồng vốn hiệu quả vàvận dụng sáng tạo những tiến bộ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.