Hướng đi nào cho xuất khẩu chè?

08:35, 30/10/2015

Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu chè, tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa được như mong đợi. Sản lượng xuất khẩu chè của tỉnh vốn đã thấp (chiếm khoảng 20% tổng sản lượng), vài năm trở lại đây lại liên tục sụt giảm. Làm thế nào để xuất khẩu chè của tỉnh thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng đã và đang trở thành mối quan tâm của doanh nghiệp và các nhà quản lý.

Để chè Thái Nguyên vươn ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức 2 kỳ Festival Trà vào các năm 2011 và 2013. Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3 sẽ tiếp tục được triển khai vào tháng 11. Cùng với đó, hằng năm, tỉnh tổ chức định kỳ từ 3-4 chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh giao thương, tăng cường hoạt động xúc tiến, đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu chè. Thông qua các chương trình, không ít đơn vị sản xuất, kinh doanh chè đã tìm được khách hàng, ký được những hợp đồng xuất khẩu lớn. Mặc dù đã có những bước phát triển khá, nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ngành xuất khẩu chè của tỉnh những năm qua vẫn còn “ốm yếu” và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu còn thấp. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu chè giảm sút rõ rệt.

 

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có trên 40 doanh nghiệp chế biến chè, tổng sản lượng chè búp khô tiêu thụ hàng năm trên 39.000 tấn. Song sản phẩm chè chế biến để xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 20%; còn lại là tiêu thụ trong nước. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh xuất khẩu được từ 7.000 - 8.000 tấn chè sang thị trường các nước: Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc, Đài Loan, Nga… Giá chè xuất khẩu cao hơn mức bình quân cả nước (chè đen 2.000-2.500 USD/tấn, chè xanh 2.200-3.500 USD/tấn) nhưng lượng chè xuất khẩu không nhiều và đang có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2013, sản lượng chè xuất khẩu đạt 8.174 tấn thì năm 2014, chỉ còn 5.386 tấn (giảm 2.788 tấn), theo đó, giá trị xuất khẩu chè cũng giảm từ 12.930 USD (năm 2013) xuống chỉ còn 10.272 USD (năm 2014). Tính từ đầu năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ xuất khẩu được 3.503 tấn chè các loại, đạt 6.677 USD, giảm 11,1% sản lượng và 20% giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Huy Trung, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trung Nguyên, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chè hàng đầu của tỉnh cho rằng: Sở dĩ, kim ngạch xuất khẩu chè của Thái Nguyên từ năm 2013 đến nay sụt giảm mạnh là do thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nước Trung Đông, trong đó, riêng Pakistan chiếm trên 50% thị phần. Tình hình khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Pakistan vài năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu chè của Thái Nguyên nói riêng cũng như cả nước nói chung.

 

Bên cạnh nguyên nhân khách quan nêu trên, theo ông Dương Huy Khải, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại - Hội nhập quốc tế (Sở Công Thương) thì nguyên nhân chính là do chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống. Trong khi việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn do sản phẩm chè chất lượng thấp, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất khó len lỏi vào những thị trường khó tính như: Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản… Chưa kể hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu chè đều chưa có vùng nguyên liệu riêng, việc thu mua giữa các doanh nghiệp và người dân trồng chè chưa có hợp đồng chặt chẽ nên rất khó quản lý về mặt chất lượng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 20.000 ha chè, tuy nhiên mới chỉ có chưa đến 200 ha được trồng và chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế như: VietGap, UTZ... Hầu hết nông dân vẫn còn sản xuất manh mún, sản phẩm chè làm ra không theo quy chuẩn, phẩm cấp nào chất lượng sản phẩm sau chế biến thấp, chủ yếu là xuất khẩu thô nên giá bán chưa cao, chưa mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng với vị thế của chè Thái Nguyên. Một điểm yếu nữa là trong cơ cấu tổ chức sản xuất ngành chè hiện nay cơ bản vẫn theo quy mô hộ gia đình phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn làm đầu tàu để quản lý kỹ thuật và đầu mối xuất khẩu. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp xuất khẩu chè còn thiếu thông tin thị trường, thiếu vốn để cải tiến công nghệ đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

 

Từ thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, để xuất khẩu chè của tỉnh thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng cần phải có những giải pháp đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; đồng thời, cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quản quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, việc cần làm đầu tiên là phải quy hoạch vùng chè nguyên liệu dành cho xuất khẩu, tổ chức lại ngành chè theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp với tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè…