Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 29 xã đạt chuẩn (bằng 20,3% tổng số xã). Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm nay có 42/143 xã đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Hoàng Cường Quốc, Phó Ban Chỉ đạo XDNTM của tỉnh cho biết: Xác định Chương trình XDNTM là nội dung rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách của Trung ương liên quan đến XDNTM. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã có Nghị quyết xác định XDNTM là nhiệm vụ trung tâm bao trùm của cả hệ thống chính trị. Đồng thời ban hành một số quy định và quy chế phù hợp để thúc đẩy tiến độ thực hiện Chương trình như: Cơ chế vay xi măng hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mỗi năm bố trí từ 50 đến 60 nghìn tấn xi măng và ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng cho xã điểm và 600 triệu đồng đối với các xã còn lại để xây dựng hạ tầng nông thôn; từ năm 2015, bố trí 7 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ cao để mang lại hiệu quả kinh tế.
Có thể khẳng định, cùng với sự điều hành quyết liệt của tỉnh, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Chương trình này đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân và đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tính đến nay, nguồn vốn ngân sách và huy động các nguồn lực cho Chương trình XDNTM là 41.821 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước là 5.515 tỷ đồng (gồm vốn sự nghiệp Chương trình XDNTM, vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ XDNTM, vốn lồng ghép từ các chương trình như 134, 135, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, vốn tín dụng ưu đãi); vốn ngân sách địa phương là 3.158 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng và huy động của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư là: 33.147 tỷ đồng. Thực hiện phương châm không chờ đợi, địa phương nào có điều kiện thì về đích sớm, các địa phương, các xã trong tỉnh đã nỗ lực và có những cách làm sáng tạo, huy động tối đa nguồn lực cho Chương trình, người dân tự giác, nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp công sức, tiền của.
Từ các nguồn vốn, các địa phương đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, thôn, gắn với nâng cao đời sống hằng ngày của người dân. Xây dựng mới, củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, để đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp lao động, việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đơn cử như huyện Đồng Hỷ, việc phát huy tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trong 5 năm qua đã thu được những kết quả nhất định. Huyện đã dành hơn 392 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng: Xây dựng, nâng cấp trên 20km đường trục xã, liên xã; làm mới trên 200km đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa trên 10km kênh mương nội đồng, đã sửa chữa, nâng cấp thêm được 7 hồ thủy lợi, 3 đập tràn; 8 trạm bơm điện; xây dựng 29 trạm biến áp, cải tạo, nâng cấp 68km đường dây trung thế và hạ thế; xây mới, cải tạo nâng cấp trên 25 công trình trường học trên địa bàn 6 nhà văn hóa trung tâm xã được xây dựng mới, 49 nhà văn hóa xóm được nâng cấp cải tạo…
Song song với đó, tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ Đề án số 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” và được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn nhiệt tình tham gia. Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, Đề án đã huy động được sự đóng góp của các sở, ban, ngành của tỉnh, các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo được trên 10 tỷ đồng đồng loạt ra quân trong 50 ngày xây dựng được 42,72km đường giao thông nông thôn vào 16 bản tại 4 huyện. Nhờ đó mà diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ huy động tối đa các nguồn lực, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ Trung ương, tỉnh, các địa phương đã phát huy được tính chủ động sáng tạo, kết hợp giữa sự hỗ trợ của Nhà nước với đóng góp của nhân dân, thực hiện hiệu quả việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án trên cùng địa bàn để phát huy hiệu quả. Xác định XDNTM là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm tới, tỉnh tập trung chỉ đạo để hoàn thành các tiêu chí đạt thấp, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm bền vững, trong đó ưu tiên các tiêu chí tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, mở rộng các hình thực tổ chức sản xuất; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức XDNTM” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với XDNTM; tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn…