Làm gì trước thách thức hội nhập?

08:21, 13/10/2015

Thời gian qua, cùng với việc tích cực tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do, gần đây chúng ta lại vui mừng khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TTP mà Việt Nam là thành viên đã hoàn tất đàm phán. Đây là là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong cả nước, trong đó Thái Nguyên không là ngoại lệ. Do vậy, bài toán đặt ra cho mỗi doanh nhân trong giai đoạn này là làm gì để phát huy lợi thế và phương án nào vượt qua thách thức?

Chúng ta đều biết, sau khi Hiệp định TTP được đưa vào thực hiện thì một số mặt hàng quan trọng của chúng ta là dệt may, day giày, thủy sản... được miễn giảm thuế đáng kể khi tham gia với các đối tác thành viên. Theo các chuyên gia thì TTP sẽ giúp kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh trong các năm tới, trong đó khu vực xuất khẩu sẽ chiếm ưu thế lớn. Bên cạnh Hiệp định TPP thì cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) dự kiến cũng sẽ được thành lập và sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các DN của chúng ta bởi cơ cấu kinh tế của Việt Nam khá tương đồng với các nước trong Khối. Cơ hội là vậy, nhưng thách thức cũng không phải nhỏ.

 

Với Thái Nguyên, hiện nay chúng ta có trên 4.000 DN, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa - đối tượng dễ chịu ảnh hưởng nhất từ môi trường hội nhập. Theo một khảo sát mới nhất của tỉnh thì không ít ý kiến DN, doanh nhân băn khoăn, lo lắng khi tham gia các sân chơi tự do với quốc tế và khu vực. Một số DN cho rằng, các đối tác nước ngoài vừa có tiềm lực về vốn lại vừa được miễn thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do khi vào nước ta, nên lợi thế cạnh tranh của họ sẽ hơn hẳn DN nội địa. Trong khi đó, hầu hết các DN nhỏ và vừa của Thái Nguyên đều thiếu tiềm lực kinh tế, năng lực cạnh tranh thấp, nên khả năng tiếp cận thị trường sòng phằng còn hạn chế. Chẳng nói đâu xa, ngay như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - một DN Nhà nước có quy mô lớn, lâu nay vẫn tham gia giữ vai trò cùng điều tiết, bình ổn giá sắt thép trên thị trường - gần đây cũng phải điêu đứng vì sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào. Đấy là chưa kể, tới đây một loạt sản phẩm sắt thép khác từ các nước trong khu vực tràn ngập thị trường nội địa với giá cạnh tranh thì liệu sản xuất trong nước có khả năng trụ vững? Và việc xuất khẩu sắt thép của chúng ta cũng vì thế mà không thể không gặp trở ngại.

 

Một số mặt hàng thế mạnh khác của chúng ta, trong đó có hàng nông sản mà chủ yếu là sản phẩm chè cũng không tránh khỏi những cạnh tranh mạnh mẽ. Hiện tại, các sản phẩm chè với đủ mẫu mã, chất lượng của một số nước, vùng lãnh thổ có thế mạnh trong khu vực đã thâm nhập thị trường nội địa và thực tế sản phẩm chè của chúng ta đang chia dần thị phần. Điều đáng quan tâm là lao động thủ công của chúng ta vẫn được xem là có sức cạnh tranh mạnh mẽ nhất, nhưng ngay trên "sân nhà" cũng đang chịu lép vế với sức hút của các DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Họ có khả năng thu hút rất tốt lao động sở tại thông qua cơ chế, chính sách đãi ngộ mà ít có DN trong nước nào làm được.

 

Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì tốc độ phản ứng trước hội nhập của DN Thái Nguyên còn khá chậm. Sự sẵn sàng tham gia sân chơi chung vẫn ở mức độ thấp. Một số ý kiến cho rằng không ít DN trên địa bàn chưa có chiến lược phát triển dài hạn, trình độ năng lực quản lý thấp, nên sẽ khó cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài. Khách quan mà nói thì DN của chúng ta chủ yếu là DN nhỏ và vừa, hơn nữa thời gian qua phải chống chịu với tình hình suy thoái kinh tế trong nước và thế giới nên cơ bản đã cạn sức, ít chú ý đến vấn đề hội nhập. Do đó, những thách thức ít được DN, doanh nhân lường hết để chuẩn bị phương án ứng phó.

 

Để chủ động trước hội nhập, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài những đòi hỏi hỗ trợ từ cơ chế chính sách, phương án tháo gỡ khó khăn của Nhà nước ở địa phương, chính bản thân các doanh nhân, DN cũng phải tự tạo cho mình tâm thế chủ động để cải thiện khả năng phòng vệ trước sức ép cạnh tranh. Trong đó, khả năng phòng vệ tốt nhất với các DN lúc này chính là tìm cách tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập. Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thì sự chủ động của DN địa phương trước việc hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài có mức giá ngày càng giảm chính là bằng cách kê khai rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận của các sản phẩm mình làm ra. Ngoài ra, cần có chiến lược kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Cùng với đó, chất lượng mẫu mã và dịch vụ sau bán hàng cũng phải được đặc biệt quan tâm. Mỗi DN nhất định phải có chiến lược kinh doanh phù hợp để chí ít cũng giữ vững thị phần trong nước, sau khi đủ mạnh sẽ kiếm tìm các thị trường bên ngoài để phát triển. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, một trong những cơ hội giúp DN đứng vững trên thị trường lúc này chính là tăng cường xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. 

 

Nói gì thì nói, DN chúng ta dù chưa có nhiều đơn vị "mang chuông đi đấm xứ người" và để lại những dấu ấn thật sự ấn tượng, nhưng chí ít trên "sân nhà" chúng ta cũng phải làm trong vai trò "chủ nhà" theo đúng nghĩa. Một số doanh nhân tên tuổi trong cộng đồng DN Thái Nguyên trong một diễn đàn mới đây về hội nhập đã thẳng thắn cho rằng, với lợi thế là DN sở tại, am hiểu sâu sắc văn hóa tiêu dùng của người dân địa phương, không có lý gì DN của chúng ta không tận dụng được lợi thế này. Muốn làm được điều đó, mỗi doanh nhân, DN phải chuẩn bị thật tốt cả về hình thức và chất lượng sản phẩm của mình, đưa ra thị trường đúng lúc để giữ chỗ đứng trên "sân nhà". Một điều mà giới doanh nhân hiện nay thường nhắc nhở nhau chính là: Hãy phục vụ tốt thị trường trong nước, bởi chỉ có "vững tay chèo" thì mới có lực vươn ra "biển lớn".