Cùng với các địa phương khác của tỉnh, những ngày này, các làng nghề, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang tích cực chuẩn bị, đẩy mạnh việc chăm sóc các nương chè để làm ra những sản phẩm ngon nhất mang đến Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3 sắp diễn ra.
Được thành lập năm 2011, HTX chè an toàn Nguyên Việt có 20 xã viên, với diện tích canh tác 5ha tại vùng đất Trại Cài, thuộc xã Minh Lập (Đồng Hỷ) - Nơi từ lâu được biết đến với chè Trại Cài nổi tiếng. Hằng năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 25 tấn chè búp khô chất lượng cao, thuộc các giống chè trung du, Bát Tiên, Kim Tuyên,… Sau những thành công từ Liên hoan trà Thái Nguyên lần thứ 2 (năm 2013), HTX chè an toàn Nguyên Việt đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Là một trong 6 đơn vị được huyện Đồng Hỷ chọn tham gia tại Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 3, những ngày này, các xã viên của HTX đang tích cực chuẩn bị vùng chè nguyên liệu, đẩy mạnh chăm sóc, thu hái và chế biến sản phẩm, đồng thời thiết kế thêm một số mẫu mã bao bì mới nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của khác hàng. Bên cạnh đó, với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, HTX vừa phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, mở lớp tập huấn kỹ thuật chế biến chè xanh chất lượng cao cho các xã viên, đồng thời mời chuyên gia của Tổng Công ty chè Việt Nam trực tiếp truyền đạt kiến thức liên quan đến nghề chế biến chè, quy trình sản xuất chè xanh; vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất chế biến,...
Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX Chè Nguyên Việt cho biết: Tham dự Festival Trà lần này, chúng tôi mong được đóng góp những sản phẩm trà ngon nhất để du khách trong và ngoài nước thưởng thức, từ đó quảng bá thương hiệu chè Trại Cài nói riêng và của Thái Nguyên nói chung. Nhân dịp này, HTX sẽ cho ra mắt hai sản phẩm cao cấp là trà nõn và trà đinh.
Cùng với HTX chè Nguyên Việt, Làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán cũng đang tích cực chuẩn bị những sản phẩm chất lượng nhất để mang đến Festival Trà lần này. Làng nghề hiện có 137 hộ dân, với tổng diện tích chè là 75ha, trong đó có 20ha chè được sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây là năm đầu tiên Làng nghề chè Hòa Khê 1 tham gia Festival Trà nên người dân của làng nghề rất háo hức.
Ngay từ khi nhận được thông báo, chính quyền xã Văn Hán đã chỉ đạo làng nghề tích cực triển khai những công tác chuẩn bị. Các nương chè được chăm chút kỹ lưỡng để có thể cho thu hái đúng vào dịp Festival diễn ra. Trong các hộ gia đình, chè được sao, vò, đóng gói cẩn thận để chuẩn bị đem đi giới thiệu, quảng bá với du khách gần xa. Ông Đoàn Văn Vạn, Trưởng Ban quản lý làng nghề cho biết: Năm nay, chúng tôi đăng ký tham gia 2 nội dung, gồm: tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè của địa phương với sản phẩm chè móc câu và thi bàn tay vàng. Xóm đã chọn ra 42 hộ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP chuẩn bị sản phẩm để trưng bày tại gian hàng. Trên mỗi sản phẩm đều dán nhãn mác cung cấp các thông tin về giống, giá bán, địa chỉ, số điện thoại liên hệ… Còn ở nội dung thi bàn tay vàng, làng nghề đã lựa chọn một đội gồm 4 người, hiện đang tích cực tập luyện với quyết tâm cao sẽ giành kết quả cao nhất, tạo được ấn tượng tốt với du khách gần xa.
Năm nay, huyện Đồng Hỷ lựa chọn 4 làng nghề chè truyền thống và 2 HTX tham gia Festival Trà lần thứ 3. Các đội sẽ tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm, thi các nội dung: Bàn tay vàng, búp chè vàng và trình diễn nghệ thuật pha trà. Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để góp phần vào thành công của Festival, công tác chỉ đạo của huyện đã được triển khai đến tất cả các địa phương. Chúng tôi đã phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc sản xuất chè tại cơ sở để đảm bảo chất lượng. Hướng dẫn bà con cách chăm sóc để để cây chè sinh trưởng, cho thu hái đúng vào dịp diễn ra Festival. Đồng thời, chỉ đạo các xã thuộc vùng chè trọng điểm của huyện chỉnh trang nương, bãi và phát quang đường giao thông nông thôn, đồng thời cắm biển chỉ dẫn du khách đến tham quan.
Qua những kỳ Festival của tỉnh, người dân làm chè huyện Đồng Hỷ đã được tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa trà, học hỏi nhiều kinh nghiệm chăm sóc, chế biến chè từ các làng nghề khác. Do vậy, bà con nhân dân đang rất háo hức, kỳ vọng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho kỳ Festival sắp diễn ra. Với lòng nhiệt huyết, niềm say mê với cây chè, sản phẩm trà của huyện Đồng Hỷ chắc chắn sẽ tạo được dấu ấn sâu sắc với các du khác gần xa.