Những năm gần đây, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, với mục tiêu đưa khu vực nông thôn phát triển ngày càng phồn thịnh.
Sau một thời gian thực hiện, Chương trình XDNTM trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh hơn, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Phong trào thi đua XDNTM lan tỏa rộng khắp với nhiều cách làm hiệu quả.
Mục tiêu cuối cùng của Chương trình XDNTM là nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về giảm hộ nghèo, tăng thu nhập cho bà con nông dân...
Thực tế từ một mô hình
Hôm chúng tôi đến nhà, dưới ánh nắng cuối thu vàng nhạt, ông Lương Yên, ở xóm Nà Lang, xã Phượng Tiến (Định Hóa) đang cần mẫn phơi rơm. Sau khi thu hoạch lúa vụ mùa năm nay, gia đình ông chú ý hơn đến việc phơi phóng để cọng rơm được nắng khô vàng, làm thức ăn dự trữ cho 4 con bò nái nuôi trong chuồng. Từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên ông được “người ta” cho không bò, lại cho thêm cả thức ăn tinh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay không lấy lãi để làm chuồng trại, nuôi bò mẹ sinh sản ra bò con, đến khi bò được xuất chuồng, “người ta” lại bao tiêu toàn bộ bằng giá thị trường, chia cho ông hưởng 50% giá trị sản phẩm. Tính đi tính lại, ông Yên chỉ mất công chăm sóc, cứ đợi bò con xuất chuồng là nhận tiền, còn lại “người ta” lo hết nên ông vui lắm. Ông Yên chia sẻ: Tôi tính kỹ rồi, con bò hiền lành, dễ nuôi, thức ăn lại sẵn có, thời gian nông nhàn của gia đình tôi thì nhiều nên cách làm này lợi không sao kể hết. Gia đình tôi nhận 4 con bò nái cuối tháng 7 thì đến nay 2 con đã chửa được hơn 2 tháng, chẳng mấy nữa mà gia đình lại có tiền từ bán bò giống. Tôi thấy XDNTM có mô hình sản xuất như thế này là quá tốt, chẳng mấy mà người dân có thể vươn lên làm giàu từ chính sản phẩm nông nghiệp quê nhà.
Bà Lộc Thị Kiều, ở xóm Đình,
Là một trong những hộ dân chăn nuôi bò theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, tôi thấy mô hình thực sự ưu việt, hiệu quả. Tham gia mô hình, người dân không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu trước kia. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều mô hình sản xuất phù hợp hỗ trợ người dân như vậy.
|
. |
Không chỉ có ông Yên mà nhiều hộ dân khác ở xã Phượng Tiến cũng được hưởng lợi từ bò. Ai cũng nghĩ, chẳng gì bằng làm ăn trên đồng đất quê mình, nuôi bò sẽ mang đến cho mọi người công việc, thu nhập ổn định, tuy rằng không cao nhưng nếu kiếm được 10 đồng thì giữ được 8, 9 đồng, không như làm ở khu công nghiệp kiếm được 10 đồng chỉ giữ được 5, 6 đồng là may. Bà Triệu Thị Nga, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa phấn khởi nói: Mô hình nuôi bò vừa triển khai là được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Đây là mô hình do Công ty cổ phần Nam Việt (trụ sở tại phường Phố Cò, T.P Thái Nguyên) phối hợp với UBND huyện thực hiện. Tham gia mô hình người dân sẽ được Công ty hỗ trợ bò nái, kỹ thuật chăm sóc thú y, phối giống và 2,5 triệu đồng/năm/1 con bò để trồng cỏ, chủ động thức ăn chăn nuôi; UBND huyện Định Hóa hỗ trợ 50% giá thức ăn tinh cho bò nái, bò con, 60% lãi suất vay làm chuồng trại nuôi bò. Theo kế hoạch năm 2015, Công ty sẽ giao cho người dân ở xã Phượng Tiến 50 con bò và năm 2016 sẽ tiếp tục giao 600 con trên địa bàn huyện.
Sức hút của các hợp tác xã
Nhiều tháng nay bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương, tại xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên trăn trở về chuyện nhận thêm thành viên vào HTX. Nhiều hộ dân trồng chè trong xã xin gia nhập HTX chè Tân Hương, toàn người quen biết nhưng bà từ chối vì lo HTX không đủ khả năng bao tiêu thêm sản phẩm. Bà Hiệp tâm sự: Sản lượng, doanh thu của HTX liên tục tăng nhưng hiện nay HTX cũng chỉ bao tiêu được khoảng 90% sản phẩm của thành viên, thế nên nhiều người muốn vào lắm nhưng Ban Giám đốc HTX chưa dám nhận.
Cũng như những hộ dân ở xã Phúc Xuân, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có mong muốn gia nhập HTX chè an toàn. Bởi lẽ, người dân đã hiểu tham gia HTX được trang bị kiến thức, kinh nghiệm làm chè an toàn, năng suất cao. Sản phẩm của HTX cũng có thương hiệu, giá bán cao hơn thị trường nên xã viên được lợi. Ông Hoàng Huy Thông, thành viên HTX chè Phú Cường Bắc, xã Phú Cường (Đại Từ) cho biết: Tham gia HTX chúng tôi không chỉ biết cách làm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mà các xã viên cũng từng bước làm các sản phẩm chè đinh, móc câu, nõn có giá cao gấp 5 đến 10 lần chè thông thường. Người dân thực sự đã hiểu được lợi ích và quyết tâm giữ chất lượng, thương hiệu chè của HTX.
Tăng cường mối liên kết 4 nhà
. |
Bà Nguyễn Thị Nhài,
Chương trình XDNTM đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của các HTX trên địa bàn trong đó có HTX chè Tân Hương. Chúng tôi đã được quan tâm quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật và máy móc chế biến chè. Chúng tôi tin tưởng rằng thu nhập của người dân sẽ ngày càng cải thiện từ việc triển khai hiệu quả Chương trình XDNTM.
|
Nhắc đến chuyện sản xuất nấm chất lượng, nhiều người nghĩ ngay đến Công ty TNHH công nghệ sinh học Phú Gia, có trụ sở tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Ở đây, mối liên kết 4 nhà: Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp đã được phát huy tối đa hiệu quả. Nhà nông đam mê trồng nấm tham gia vào mạng lưới vệ tinh nhận giống và bán nấm thành phẩm cho Công ty; Nhà nước đóng vai trò bà đỡ hỗ trợ vốn, thủ tục, kỹ thuật; nhà khoa học nghiêm cứu vào đưa vào ứng dụng các giống nấm phù hợp điều kiện địa phương còn Công ty thực hiện quản lý, bao tiêu cũng như quảng cáo, tiêu thụ sản phẩm. Sau nhiều năm hoạt động ổn định, sản phẩm của Công ty nấm Phú Gia đã khẳng định vị thế, đạt doanh thu 28 tỷ đồng/năm, sản phẩm xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.
Những mô hình nuôi bò ở xã Phượng Tiến (Định Hóa), HTX chè Tân Hương (TP. Thái Nguyên), trồng nấm Phú Gia (Đại Từ) đã góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo và tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Điều đáng mừng là từ phong trào thi đua XDNTM, những mô hình như vậy xuất hiện nhiều ở khắp các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 350 HTX, 825 trang trại, 134 làng nghề hoạt động hiệu quả, có thể điểm danh một số mô hình: chăn nuôi trang trại lợn, gà, cấy lúa lai, trồng chè cành, phát triển HTX, tổ hợp tác chè an toàn ở khắp các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; trồng nấm Nhật Sơn (Phú Lương), Hoà Tính (Đại Từ), giống gia cầm Thụy Phương, khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại huyện Phú Bình và T.P Thái Nguyên, trồng táo ở xã Đồng Liên, rau an toàn ở xã Nhã Lộng (Phú Bình)… Qua việc thực hiện hiệu quả các mô hình, đời sống người dân đã nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm và quan trọng là tư duy làm việc của người nông dân đã thay đổi theo hướng có tổ chức, chuyên nghiệp hơn.
(Còn nữa)