Nỗ lực xây dựng nông thôn phồn thịnh - Kỳ II: Người dân khẳng định vị trí chủ thể

16:00, 31/10/2015

Việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không chỉ đạt được kết quả quan trọng trong việc thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, mà điều đáng lưu ý nữa là nhận thức của đại bộ phận bà con nông dân về NTM đã thay đổi. Người dân thực sự coi mình là chủ thể, tích cực đóng góp công sức thực hiện các tiêu chí NTM. Và chưa khi nào cụm từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” lại được dùng nhiều như vậy…

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

 

Đứng cạnh chúng tôi bên con đường bê tông thẳng tắp, phẳng phiu, hai bên là những cánh đồng hoa đang vào vụ mới, ông Nguyễn Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Liên (Phú Bình) trầm ngâm: Đúng là “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” các anh ạ! Nhớ lại những con đường lầy lội, cảnh nghèo túng của quê nhà trước kia mà tôi khó có thể không tưởng tượng nổi xã mình lại “cán đích” NTM trong năm 2015. Tất cả là nhờ dân, chỉ có người dân mới có thể tạo nên diện mạo nông thôn như bây giờ...

 

Câu chuyện của ông Tư mải miết về vùng quê Đồng Liên một thời nghèo khó, người dân quanh năm “đầu tắt mặt tối” mải miết cấy lúa, trồng màu với các giống cây cho năng suất, giá trị kinh tế thấp, cái nghèo cứ len lỏi trong mỗi nếp nhà. Việc triển khai thực hiện Chương trình XDNTM đã góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng nhau tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Ban đầu là bà con tập hợp nhau thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nhờ đó việc mua giống, phân bón được tập trung, giá rẻ hơn lại bảo đảm chất lượng. Thành viên các HTX, tổ hợp tác cũng đã họp bàn để sản phẩm nông nghiệp làm ra không bị trùng lặp, rớt giá. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 3 HTX, 2 tổ hợp tác, với đa dạng sản phẩm nông nghiệp như: trồng táo, trồng hoa, trang trại kết hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Rồi đến việc làm đường, làm nhà văn hóa, chưa bao giờ thấy tập thể xóm, xã lại gần gũi đến vậy, mọi người cùng chụm đầu bàn bạc, đóng góp tiền, tích cực ngày đêm để hoàn thiện công trình.

 

“Trái ngọt” từ những nỗ lực

 

0

 

Ông Ngô Quốc Tự,
Phó phòng Nông nghiệp và PTNT
huyện Định Hóa:

 

Với mong muốn nâng cao đời sống nhân dân, Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM huyện Định Hóa đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khuyến khích sản xuất tập trung theo mô hình HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại...

 

Trong niềm hân hoan vừa được đón chuẩn NTM, người dân xã La Bằng (Đại Từ) không chỉ vui mừng vì xóm, xã có nhà văn hóa, đường giao thông mới, mà còn phấn khởi vì nhờ cây chè nên đời sống của bà con đang khấm khá lên. Xã La Bằng đã quan tâm phát triển cây chè từ rất nhiều năm trước nhưng mọi công tác còn chưa được đồng bộ. Bước vào XDNTM, chính quyền xã đã tập trung quy hoạch vùng chè, đẩy mạnh việc cải tạo giống, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn an toàn. Bên cạnh đó, xã cũng tranh thủ nguồn lực của Nhà nước, xã hội trong quảng bá thương hiệu chè La Bằng, cải tạo hệ thống thủy lợi, xây mới hồ chứa nước phục vụ hoạt động tưới nước và hỗ trợ tổ hợp tác, hợ tác xã (HTX) sản xuất chè. Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng cho biết: Thực sự Chương trình XDNTM như là “cái gậy thần thông” để chính quyền xã “làm phép”, định hướng và phát triển kinh tế địa phương hiệu quả. Đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu chè, Chương trình đã tạo điều kiện tập trung nguồn lực, giúp xã có thêm thế và lực thực hiện đồng bộ, thành công nhiệm vụ.

 

Những việc đang diễn ra ở Đồng Liên, La Bằng cũng như nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh đã góp phần minh chứng về công cuộc XDNTM đang lan tỏa trong cuộc sống của bà con nông dân. Ông Hoàng Cường Quốc, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM tỉnh cho biết: Có thể khẳng định thành quả lớn nhất của Chương trình XDNTM chính là sự thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân. Người dân hiện nay đã hiểu mình là chủ thể, 19 tiêu chí của Chương trình đều có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống nên tích cực ủng hộ. Bên cạnh đó, chương trình XDNTM cũng phát huy tính dân chủ cơ sở, người dân được tham gia xây dựng đề án, lựa chọn công trình cần làm và cách thức thực hiện. Việc làm này không chỉ động viên người dân phấn khởi, tự giác đóng góp xây dựng các công trình công cộng mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng công trình...

 

Còn đó nhiều thách thức

 

.

 

Ông Trần Văn Vi,
Bí thư Chi bộ xóm Bậu 2, xã Văn Yên
(Đại Từ): 

 

 

Tham gia Chương trình XDNTM, nhân dân đã được tiếp cận với nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. Đây là động lực để người dân thay đổi phương thức, tư duy làm ăn, mang lại hiệu quả nhiều mặt. Với người dân xóm Bậu 2, xã Văn Yên, những năm gần đây bà con đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung chăn nuôi trang trại theo quy hoạch, đồng thời đưa các giống chè, lúa cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất...

 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 29/143 xã đạt chuẩn NTM (phấn đấu đến hết năm nay có 42 xã đạt chuẩn), 28 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 44 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí. Tỉnh ta được đánh giá là một trong những tỉnh tốp đầu của cả nước thực hiện tốt chương trình XDNTM. Có được như vậy là do cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, Tỉnh ủy xác định XDNTM là nhiệm vụ trung tâm, bao trùm, các cấp, ngành đã có kế hoạch triển khai tích cực các giải pháp, để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo tỉnh đã chuyển hướng chỉ đạo sát với địa phương, tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước, huy động thêm các nguồn lực cho chương trình theo phương châm không dàn trải, địa phương nào có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu về đích sớm, không chờ đợi, đã tạo nên ý chí quyết tâm và động lực phấn đấu trong cán bộ và nhân dân các địa phương, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phong trào XDNTM đồng đều, huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân, có nhiều xã đạt chuẩn NTM.

 

Tuy nhiên, quá trình XDNTM vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều xã mới chỉ tập trung để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng và đầu tư ưu tiên cho phát triển sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất tại cơ sở còn mỏng và yếu, mô hình sản xuất quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa còn ít, nhiều HTX chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp còn chậm phát triển, chưa tạo ra được các sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh, thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Một số xã đạt chuẩn NTM nhưng chất lượng tiêu chí còn thấp, cần tiếp tục được nâng cao...

 

Để tiếp tục đẩy mạnh Chương trình XDNTM, trong thời gian tới, các hoạt động của Chương trình cần được gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình liên kết gắn với kết quả XDNTM. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực nên tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, các xã nằm trong diện khó khăn nhất nên được ưu tiên đầu tư cùng với việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở những xã đạt chuẩn.