Khi đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế thì năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như của quốc gia ngày càng cần được cải thiện và gia tăng. Với Thái Nguyên, qua 10 năm thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh ta có thể tự hào về kết quả đã đạt được: Từ chỗ chỉ đứng ở tốp cuối trên bảng xếp hạng thì đến nay, chỉ số PCI của tỉnh đã vươn lên vị trí những tỉnh, thành phố có thứ hạng tốt. Điều này cũng phản ánh đúng chất lượng điều hành kinh tế trên địa bàn.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thái Nguyên nằm trong khu vực 6 tỉnh vùng Việt Bắc (gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Lạng Sơn) có chỉ số PCI thấp nhất cả nước. Khu vực này còn nhiều khó khăn, trong khi việc cải cách và thay đổi môi trường kinh doanh lại diễn biến chậm. Tuy vậy, do những năm gần đây tỉnh ta có chiến lược cải thiện chỉ số PCI hợp lý nên gần như đã vượt ra khỏi các tỉnh còn yếu kém trong khu vực.
Chiến lược cải thiện chỉ số PCI của tỉnh bắt nguồn từ Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 8-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI. Từ đó, Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh ra đời, đã tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm tìm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), nâng cao chỉ số PCI ngay trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các DN, doanh nhân, từ đó tìm ra những điểm còn vướng mắc, gây cản trở trong sản xuất, kinh doanh của DN. Theo thông tin từ Hiệp hội DN tỉnh, các hình thức đối thoại rất thiết thực thông qua việc thành lập các “câu lạc bộ doanh nhân”, “cà phê doanh nhân”… để giúp nhau cùng phát triển. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Hiệp hội và các hội DN trong tỉnh luôn đồng hành cùng Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh để truyền tải những thông tin về cải cách, đổi mới môi trường đầu tư cũng như môi trường kinh doanh đến cộng đồng DN, đồng thời tập hợp những vướng mắc của DN để phản ánh tới Ban chỉ đạo PCI và các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ kịp thời cho DN.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thời, hàng năm Hiệp hội DN tỉnh đều phân tích rõ những chỉ tiêu thành phần trong PCI của tỉnh mà DN chưa hài lòng (tức là bị giảm điểm so với năm trước), liên quan đến sở, ban, ngành nào thì tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCI yêu cầu sở, ban, ngành đó khắc phục kịp thời. Ví dụ, năm 2014, chỉ số tính minh bạch của tỉnh bị giảm điểm là do công bố thông tin chưa minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên một số phương tiện thông tin đại chúng khác. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Thông tin và Truyền thông. Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh có ý kiến yêu cầu Sở này khắc phục. Sau đó, toàn bộ thông tin được phép công bố của tỉnh không những truyền tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh mà của cả các huyện, thành, thị và trang điện tử của các sở, ngành.
Tại Hội nghị về một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN được tổ chức tại tỉnh ta vào tháng 8 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: PCI không còn là của riêng VCCI nữa mà tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước đều sử dụng nó như một công cụ thúc đẩy cải cách, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh địa phương. Quả đúng như vậy, những năm qua chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh ta được nâng lên rõ rệt là nhờ một phần ở công cụ PCI. Từ việc chỉ số PCI của tỉnh tăng vọt những năm gần đây (năm 2011 đứng ở vị trí 57, năm 2012 vượt tới 40 bậc lên vị trí 17 và năm 2014 đứng ở vị trí thứ 8) đã tạo ấn tượng rất lớn đối với các nhà đầu tư. Có lẽ cũng bởi thế mà sức hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo kết quả báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch - Đầu tư thì hiện tại toàn tỉnh đang có gần 4.360 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 33.800 tỷ đồng. Mấy năm gần đây, số lượng các dự án đầu tư vào tỉnh, nhất là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng rất mạnh. Trước năm 2012, tỉnh ta mới có 10 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 132 triệu USD, thì đến nay tỉnh ta đã thu hút được 86 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 7,1 tỷ USD, lọt vào tốp 10 tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Trong đó, có những nhà đầu tư uy tín toàn cầu với sức đóng góp rất lớn như Samsung, Glonics…, giá trị xuất khẩu mỗi năm lên tới hàng chục tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì kết quả trên phản ánh đúng năng lực lãnh đạo, điều hành kinh tế của tỉnh thời gian qua. Kết quả này còn phản ánh đúng cảm nhận của cộng đồng DN về sự đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh và sự thân thiện, đồng hành cùng DN, doanh nhân của tỉnh.
Việc thăng hạng chỉ số PCI đã là rất khó nhưng để duy trì và tạo đà phát triển lại càng khó hơn, nhất là trong bối cảnh các địa phương đều rất quan tâm tới cải thiện chỉ số quan trọng này. Theo đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI tỉnh thì một trong những giải pháp đang được tỉnh triển khai chính là cố gắng duy trì, tăng bậc những chỉ số đã đạt điểm cao và tập trung cải thiện chỉ số còn thấp điểm. Cụ thể, trong năm nay, đặc biệt là những tháng còn lại của năm sẽ duy trì và tăng bậc chỉ số về gia nhập thị trường, chỉ số về hỗ trợ DN, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý, mặt khác cải thiện các chỉ số về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động và chỉ số cạnh tranh bình đẳng.
Được biết, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015, tỉnh ta đã lựa chọn 3 khâu đột phá chiến lược gồm: Đột phá về kết cấu hạ tầng, đột phá về công tác quy hoạch và đột phá về cải thiện chỉ số PCI. Như vậy, với những kết quả đạt được, việc cải thiện chỉ số PCI xứng đáng với lựa chọn là khâu đột phá, không chỉ giúp cải thiện vị trí của tỉnh trong bản đồ kinh tế cả nước mà còn mang lại lòng tin cho các DN, doanh nhân và người dân đối với khả năng lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế của tỉnh.