Phát triển nghề đan lồng sắt ở Điềm Thụy

09:15, 20/10/2015

Những năm gần đây, khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp để phục vụ cho việc xây dựng khu công nghiệp thì nghề đan lồng sắt đang được người dân xóm Điềm Thụy, xã Điềm Thụy (Phú Bình) chọn làm một trong những nghề chính để phát triển kinh tế. Đây là công việc được nhiều người đánh giá là cho thu nhập cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp.

Ông Đinh Văn Lục, Trưởng xóm Điềm Thụy cho biết: Toàn xóm có 270 hộ thì đã có hơn 30 hộ chuyên làm nghề đan lồng sắt, trong đó có khoảng 10 hộ sản xuất với số lượng lớn. Cách đây gần chục năm, nghề đan lồng sắt đã xuất hiện ở xóm Điềm Thụy nhưng lúc đó mới chỉ có 2-3 hộ làm, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ việc sinh hoạt trong gia đình. Nhưng từ năm 2012 trở lại đây, khi dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy được triển khai xây dựng tại địa phương khiến gần 2/3 diện tích đất nông nghiệp của xóm bị thu hồi thì nhiều hộ dân đã tập trung vào việc sản xuất lồng, sọt sắt để nhốt các loài động vật và đựng rau củ. Lý do khiến công việc này được nhiều người lựa chọn là bởi ít có rủi ro, thị trường tiêu thụ khá ổn định và đặc biệt là có thể tận dụng thời gian nông nhàn để làm vào bất kỳ lúc nào. Việc đan lồng sắt cũng không kén người làm, những công việc như đóng khung, uốn thép cần sức khỏe, bàn tay chắc thì đàn ông sẽ đảm nhiệm, còn việc đan lồng, gấp thép thì có thể dành cho phụ nữ. Cách thức đan cũng khá đơn giản, hầu như chỉ đan theo 1 cách duy nhất là đan theo hình mắt cáo, còn kiểu dáng, kích thước thì đã có mẫu sẵn để làm theo. Trung bình mỗi ngày, nếu một người làm chăm chỉ có thể kiếm được từ 100-200 nghìn đồng.

 

Để tìm hiểu thêm về nghề này, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Ánh, một trong những hộ tiên phong làm nghề đan lồng sắt ở xóm Điềm Thụy. Vừa nhanh tay đan những dây thép lại với nhau, anh Ánh vừa vui vẻ trò chuyện: Năm 2005 tôi đã biết đến nghề đan lồng sắt trong một lần cùng với người nhà sang tỉnh Bắc Ninh chơi, sau khi nhìn cách làm và xem các sản phẩm của họ, về nhà tôi đã mầy mò học theo. Thời gian ấy, tôi chỉ làm những sản phẩm đơn giản như lồng gà, bu úp gà, sọt đựng rau… với kích thước nhỏ, số lượng ít. Đến năm 2010 tôi mới đầu tư xây dựng nhà xưởng và phát triển nghề này bởi hầu hết các sản phẩm của gia đình làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Hiện, gia đình tôi chuyên sản xuất các loại hàng rào, sọt, lồng, bu sắt với đủ các kích cỡ, đa số các sản phẩm được giao buôn đến các địa phương trong và ngoài tỉnh.

 

Cũng làm nghề đan lồng sắt xưởng sản xuất của nhà ông Dương Trung Sức luôn có ít nhất 3 người thợ chuyên đan ra các loại sản phẩm từ sắt. Ông Sức cho biết: Đây là nghề có thể làm quanh năm suốt tháng, cho thu nhập đều và chỉ phải ngồi ở nhà làm, ít có sự rủi ro và không phải chịu nắng mưa như làm ruộng. Hiện tại, trung bình mỗi tháng gia đình tôi làm hết khoảng 3-4 tấn sắt, nếu khéo tận dụng thì lượng sắt phế không đáng kể, với mỗi tấn hàng thành phẩm tôi được thu lãi từ 3-5 triệu đồng.

 

Được biết, để mua được thép chuẩn, có độ bền cao và ít bị han rỉ các chủ xưởng phải về tận Bắc Ninh hoặc Hà Nội. Trung bình mỗi một kg nguyên liệu có giá khoảng 16.000 đồng, sau khi thành phẩm có thể bán với giá từ 25.000-27.000 đồng/kg. Các chủ xưởng ở đây cũng cho biết ưu điểm của những chiếc lồng sắt là do được làm hoàn toàn bằng cách thủ công nên rất chắc chắn, độ bền cao, giá bán hợp lý, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm không quá khó khăn, hầu như hàng làm ra đến đâu đều bán hết đến đó.

 

Có thể thấy, nghề đan lồng sắt đã khiến cho đời sống của người dân xóm Điềm Thụy có những đổi thay đáng kể. Hiện tại, nghề này đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động… Theo dự đoán của người dân nơi đây thì trong tương lai nghề này sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển hơn nữa tại địa phương.