Theo chỉ dẫn của người dân trong xã, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất chè an toàn của chị Phạm Thị Thúy, ở xóm Lai Thành, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên). Tiếp chúng tôi là một phụ nữ còn khá trẻ với khuôn mặt bầu bĩnh và giọng nói nhỏ nhẹ.
Cứ ngỡ đây là người giúp gia đình chị Thúy quản lý cơ sở sản xuất chè nên chúng tôi đưa ra lời đề nghị:
- Chị cho chúng tôi gặp chị Thúy được không?
- Vâng, tôi là Thúy đây.
Câu trả lời của người phụ nữ ấy khiến chúng tôi khá bất ngờ. Với vóc dáng nhỏ nhắn, chị Thúy trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 36 của mình. Càng nể phục hơn người phụ nữ nhỏ bé này lại là bà chủ của một cơ sở sản xuất chè khá lớn ở Phúc Trìu, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Nụ cười đôn hậu, chị vừa pha trà, vừa trò chuyện với khách rất đỗi thân thiết. Rồi chị chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu gia đình chặt bỏ giống “chè hạt” để trồng “chè cành”. Chị bảo: Giống chè trung du ngày càng thoái hóa, xuống cấp, chăm bón thường xuyên mà năng suất không tăng, giá bán lại thấp nên hơn 10 năm trước, chúng tôi đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích chè già cỗi để trồng thay thế vào đó giống chè cành LDP1. Nhiều người trong xã biết chuyện đã khuyên can vì còn nghi ngờ về hiệu quả của giống chè này. Nhất là khi chè trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, thu nhập của gia đình giảm hẳn nên nỗi lơ cơm áo, gạo tiền đè nặng trên vai. Tuy nhiên, vợ chồng tôi không hề nản lòng. Sau hơn 3 năm chăm bón, khi chè bắt đầu cho thu hoạch cũng là lúc cuộc sống của chúng tôi vợi bớt khó khăn.
Đến nay, ngoài duy trì 0,5ha chè trung du thì gia đình chị Thúy đã có trên 1ha chè giống mới. Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật, mỗi năm chị thu hoạch từ 7 đến 8 lứa chè, mỗi lứa thu được khoảng 2 tạ chè búp khô. Theo anh Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã thì sản phẩm che búp khô của gia đình chị Thúy luôn bán được với giá cao nhất, nhì xã. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thúy cho hay: Chè bán được giá như vậy là do gia đình tôi đã tạo dựng được niềm tin với khách hàng thông qua việc sản xuất chè theo hướng an toàn. Trước đây, tuy chưa biết đến quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), nhưng trong khâu chăm sóc, tôi đã có ý thức hạn chế sử dụng các loại phân hóa học và tận dụng phân chuồng, phân xanh để chăm bón chè. Khi chè có sâu bệnh, tôi có phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng luôn đảm bảo thời gian cách ly để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người tiêu dùng. Đặc biệt, tôi không sử dụng các loại thuốc kích thích bón cho chè để sản phẩm chè làm ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng rất quan tâm tới khâu chế biến để nâng cao chất lượng chè. 3 năm trước, tôi đã đầu tư 150 triệu đồng để mở rộng xưởng chế biến chè của gia đình. Với dàn máy móc khá hiện đại, chè thu hái về đến đâu, chế biến đến đó nên chất lượng chè thành phẩm ngày càng được nâng lên.
Cách đây gần 2 năm, khi Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện thí điểm một số mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP, UTZ Certified trên địa bàn xã Phúc Trìu, chị Thúy đã nhiệt tình tham gia. Hiện, chị đang sản xuất chè theo quy trình VietGAP trên diện tích 1ha, sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ Certified trên diện tích 0,5ha.
Do đã quen với việc sản xuất chè theo hướng an toàn nên khi thực hiện các quy trình sản xuất trên, chị Thúy không gặp khó khăn như nhiều hộ nông dân khác. Kể cả việc ghi chép nhật ký cũng được chị thực hiện rất tỉ mỉ… Chị nói: Sản phẩm chè của gia đình tôi làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có lúc còn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Từ khi áp dụng quy trình sản xuất mới, giá bán ra cao hơn so với 2 năm trước từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg. Hiện nay, trung bình mỗi kg chè nõn tôi bán được với giá 370-400 nghìn đồng. Năm 2014, trừ các loại chi phí, gia đình chị thu lãi 150 triệu đồng từ sản xuất chè.
Uy tín của cơ sở sản xuất chè ngày càng được củng cố, chè của gia đình làm ra không đủ bán, chị Thúy đã liên kết với các hộ sản xuất trong xã để cung ứng chè cho khách hàng. Theo đó, chị lựa chọn những hộ là người nhà hoặc bạn bè thân thiết và những chỗ tin tưởng để cùng họ liên kết sản xuất chè theo hướng an toàn. Nhờ đó, chất lượng chè thành phẩm được bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ngoài số chè do gia đình sản xuất ra, năm qua, chị Thúy thu mua thêm khoảng 10-12 tấn chè búp khô của các hộ dân trong xã cung cấp cho các tư thương của tỉnh bạn như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương…
Khi chúng tôi thông tin, cuối tháng 11 này, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức Festival Trà lần thứ 3, chị Thúy vui lắm. Theo chị, qua 2 lần tổ chức Festival Trà, chè Thái Nguyên đã được mọi người biết đến nhiều hơn và vì thế vùng chè trọng điểm Phúc Trìu cũng được khách hàng tìm về đông hơn, lượng khách hàng sẽ đáng kể. Do đó, ngay từ lúc này, chị sẽ tích lũy một lượng hàng (chè búp khô) lớn, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho các du khách tham quan trong những ngày lễ hội diễn ra.