Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

08:30, 22/10/2015

Những năm gần đây, trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định. Từ đó giúp các DN có thêm “sinh lực” vươn lên, tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Có thể nói, chưa bao giờ làn sóng đầu tư vào tỉnh ta lại mạnh mẽ như mấy năm gần đây. Ngoài yếu tố được cho là “đất lành chim đậu” thì theo đại diện nhiều DN, những cơ chế, chính sách mà tỉnh dành cho nhà đầu tư, cùng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN được xem là yếu tố mang tính quyết định để các nhà đầu tư chọn Thái Nguyên làm điểm đến. Điều này đã và đang mang lại hiệu quả về nhiều mặt cho tỉnh.

 

Đề cập đến những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi sâu vào 5 nội dung chính, trước hết là quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, tài chính ngân hàng (điển hình nhất trong những công trình này là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã giúp giảm hơn nửa thời gian đi lại so với tuyến Quốc lộ 3 cũ). Tiếp đến là đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực: Cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, tổ chức, bộ máy; kiện toàn bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để các giao dịch của DN và người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng. Cùng với đó, tỉnh tập trung lãnh đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong toàn hệ thống chính trị, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm. Nhờ đó, chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện đáng kể, từ vị trí thứ 57/63 (năm 2011) vượt lên thứ 8/63 (năm 2014). Trong lĩnh vực kê khai thủ tục hải quan, nộp thuế điện tử, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, giảm tiêu cực, phiền hà cho DN.

 

Song song với đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về đất đai, thuế, hải quan, lao động, an ninh trật tự. Đồng thời dành những ưu đãi tốt nhất về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tuyển dụng lao động, hỗ trợ chi phí đào tạo, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự... để giúp các DN yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Mới đây, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XII cũng đã thông qua tờ trình của UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa của tỉnh. Quỹ này sẽ bắt đầu tiếp nhận và thực hiện bảo lãnh cho DN từ tháng 11 này. Đây được xem là một trong những giải pháp thiết thực, cụ thể để những DN đang gặp khó khăn được tiếp cận vốn vay ngân hàng thuận lợi hơn…

 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư, toàn tỉnh hiện có trên 4.300 DN, tăng gấp 10 lần so với năm 2004. Đến nay, cơ bản các DN đã vượt qua được khó khăn, duy trì sản xuất - kinh doanh, từng bước phát triển, cung cấp nhiều sản phẩm vật chất, dịch vụ chất lượng cao cho xã hội, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước với mức tăng 5 năm gần đây đạt trung bình trên 27%/năm (vượt kế hoạch đề ra). Riêng năm 2015, dự ước thu gần 7.000 tỷ đồng, vượt KH khoảng 2.000 tỷ đồng, bằng 145% dự toán được giao. Trung bình mỗi năm tạo việc làm mới cho hàng vạn lao động; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. GDP của tỉnh năm nay dự ước tăng 25,2%, đưa GDP 5 năm qua của tỉnh đạt 13,1% (vượt mục tiêu kế hoạch); giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 2010) năm nay ước đạt 362 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước...

 

Ông Bùi Phạm Hải, Phó Giám đốc Siêu thị điện máy HC tại Thái Nguyên chia sẻ: Từ khi có ý định đầu tư tại Thái Nguyên cho đến nay đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Với sự phát triển của Thái Nguyên trong thời gian qua, chúng tôi tin tưởng, đây sẽ là mảnh đất tiềm năng, hứa hẹn mang đến cho DN nhiều cơ hội phát triển.

 

Ở một góc độ khác, chị Phan Ngọc Bích, kế toán Công ty Vina CTS (Khu công nghiệp Điềm Thụy) lại đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh và ngành Thuế trong việc tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế. Chị Bích cho biết: Đã từng làm kế toán DN ở một số tỉnh, điều mà tôi cảm nhận rất rõ ở Thái Nguyên là sự quan tâm của các sở, ngành, mà trực tiếp nhất là ngành Thuế. Ngay khi có chính sách thuế mới ra đời, chúng tôi đều được mời đến tập huấn. Qua đó giúp chúng tôi dễ dàng nắm bắt được thông tin để triển khai thực hiện, tránh việc phải làm đi làm lại…

 

Những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua của tỉnh thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cũng như sự ủng hộ, đoàn kết của người dân. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh đưa ra các mục tiêu cũng như giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Đồng chí Dương Ngọc Long cho biết: Trong thời gian tới, các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN vẫn sẽ tiếp tục được tỉnh quan tâm, ưu tiên đầu tư, đó là việc hoàn thiện tốt hơn các hệ thống hạ tầng; nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), cải cách hành chính; trợ giúp DN nghiên cứu các hiệp định song phương, đa phương của Nhà nước với các tổ chức quốc tế để DN có thể đứng vững và phát triển trong xu tế hội nhập; chú trọng việc đào tạo gắn với nhu cầu của DN, xã hội; khuyến khích các DN nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn và tạo điều kiện cho DN được hưởng đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước; tăng cường đảm bảo anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo môi trường ổn định cho DN hoạt động hiệu quả…