Từ nỗ lực của người dân, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Nhà nước, đời sống của nhân dân huyện Đại Từ trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt.
Có dịp trở lại xã Quân Chu - xã đặc biệt khó khăn của huyện Đại Từ vào một ngày tháng 10 -2015, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự thay đổi của vùng quê này. Những con đường lầy lội trước kia đã được đổ bê tông, dải nhựa phẳng phiu, trường học được xây dựng khang trang, khu chợ trung tâm sầm uất với đủ loại hàng hoá không thua kém gì chợ thành phố. Và đặc biệt, người dân nơi đây đã thay đổi tư duy trong sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn quả đặc sản, sử dụng chè lai giống mới, năng suất cao. Gặp chúng tôi, anh Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu tự tin “khoe”: Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm nay chỉ còn 9,9%, giảm 48,73% so với năm 2011. Trong xã đã có vùng chuyên canh cây ăn quả, các giống chè mới như LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên đã chiếm 58% tổng diện tích chè kinh doanh của xã. Có được kết quả này là do người dân trong xã đã nỗ lực, cố gắng nhưng phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Những năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng hàng chục km đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi để người dân thuận lợi trong sản xuất, giao thương hàng hoá, triển khai các chương trình hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất, giống cây trồng mới, cho vay vốn ưu đãi góp phần giúp người dân từng bước thoát nghèo.
Tìm hiểu tại xã Phúc Lương, xã miền núi đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Đại Từ, chúng tôi cũng nhận thấy những chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Nhân dân trong xã đã biết phát huy lợi thế từ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Đơn cử như ở xóm Cây Hồng, mặc dù diện tích đất nông nghiệp nhỏ hẹp, chia cắt giữa các ngọn đồi nhỏ, nhưng người dân đã tích cực chuyển đổi sang lúa lai, chè cành cho năng suất, thu nhập cao. Ông Đào Văn Tân, Trưởng xóm Cây Hồng cho biết: Toàn xóm có 16ha lúa thì tất cả đều cấy giống Syn6 hoặc TH3-5 hơn 3 năm nay. Còn diện tích rừng của xóm khoảng 300ha nhưng không có nào bỏ trống. Hiện nay, đời sống người dân đã khá giả, toàn xóm không có nhà tạm, gia đình nào cũng có phương tiện đi lại, thiết bị nghe nhìn. Nghĩ lại những khó khăn trước kia, chúng tôi thầm cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ người dân giống, phân bón, máy móc, nông cụ sản xuất, chính quyền địa phương thường xuyên cử cán bộ nông nghiệp trực tiếp tuyên truyền, giúp đỡ người dân biết cách làm ăn.
Không chỉ có xã Quân Chu, Phúc Lương, các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa khác của huyện Đại Từ cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực. Những năm qua, từ những nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Đại Từ đã triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Thực hiện Chương trình 135, trong giai đoạn 2013-2015, huyện đã đầu tư gần 57 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn; hằng năm, hỗ trợ trung bình 7 tỷ đồng để triển khai các mô hình sản xuất như: gieo cấy lúa lai, trồng dưa chuột, rau, chè, nuôi gia cầm, gia súc thương phẩm; trong năm 2014, 2015, huyện cũng hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ và nước sinh hoạt phân tán cho 3 xã đặc biệt khó khăn là Quân Chu, Đức Lương, Phúc Lương, Na Mao. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư, y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội, vay vốn tín dụng… được huyện đặc biệt quan tâm. Tính từ năm 2013 đến tháng 5-2015, toàn huyện đã có hơn 18.000 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số vốn trên 345 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, Uỷ ban MTTQ và các hội, đoàn thể. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc, kịp thời chương trình giảm nghèo, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã, xây dựng kế hoạch thực hiện, các hoạt động triển khai chương trình giảm nghèo cụ thể, phù hợp với điều kiện ở cơ sở, từ đó tìm ra những giải pháp khả thi, đồng bộ để thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Có thể thấy, những chính sách, chương trình giảm nghèo đã tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, giúp nhiều gia đình có việc làm, thu nhập ổn định để từ đó tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 1.660 hộ/năm. Tính đến đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 12,28%, giảm 7,69% so với năm 2013. Ông Nguyễn Mạnh Hoạt cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm nghèo năm 2015 là trên 2%. Đồng thời huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, toàn xã hội trong công tác giảm nghèo, sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh để tập trung giảm nghèo ở những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao.