TPP sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam

14:35, 06/10/2015

Nhiều nghiên cứu cho rằng Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua.

Tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp

 

Hiệp định TPP có sự tham gia của Việt Nam và 11 quốc gia khác gồm:Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ. Theo các chuyên gia thương mại, Hiệp định TPP sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế của mỗi quốc gia trong TPP, trong đó có Việt Nam cũng như kinh tế toàn cầu khi các nước trong TPP chiếm 40% GDP toàn cầu. Nhật Bản và Mỹ là 2 đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong TPP.

 

Trong công bố mới nhất thông báo về việc hoàn tất đàm phán TPP, Bộ Công Thương đánh giá: Với các kết quả đàm phán đã đạt được, Hiệp định TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

 

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), TPP vẫn cần một khoảng thời gian để chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên sau khi đạt được thỏa thuận cơ bản chung. Bởi vậy, đàm phán TPP thông qua có tác động trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán không quá đáng kể. Bởi, quy mô vốn hóa của các ngành có ảnh hưởng tích cực nhờ TPP không quá lớn; do vậy tác động tới chỉ số chứng khoán chung sẽ không quá mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi tham gia TPP, Việt Nam có thể nhận diện các nhóm ngành được hưởng lợi: dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển… Ngược lại, các nhóm ngành có thể sẽ gặp khó khăn là: mía đường, dược, nông sản…

 

Chú trọng cải cách trong nước để hội nhập thành công

 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, hội nhập kinh tế với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu và đa dạng sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam có được các lợi thế ở cả trong nước (cơ cấu kinh tế hợp lý hơn) và bên ngoài (điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn) để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần chuẩn bị một “gốc” thật chắc, đó là chú trọng cải cách trong nước để có thể hội nhập thành công. Giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế có sự tác động qua lại nhưng cải cách trong nước luôn phải là yếu tố quyết định và là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Do đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cần tiếp tục đưa cải cách kinh tế đất nước đi vào chiều sâu, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, đầu tư công và nông nghiệp bởi vì cải cách thành công trong những lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các cấp đội hội nhập quốc tế cao hơn.

 

Nhận thức được việc các doanh nghiệp và người dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hết sức quan tâm tới các cam kết cụ thể của Hiệp định, Bộ Công Thương cho biết, các nước tham gia TPP sẽ cố gắng hoàn tất việc rà soát pháp lý các văn kiện của Hiệp định trong thời gian sớm nhất để có thể sớm công bố rộng rãi các cam kết về mở cửa thị trường tới người dân và các doanh nghiệp.