Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè

10:14, 27/11/2015

Có thể khẳng định, cây chè và sản phẩm trà của tỉnh ta đã và đang tạo được dấu ấn rộng khắp trên thị trường trong và ngoài nước. Để thương hiệu trà Thái bay xa hơn nữa đòi hỏi phải có chiến lược phát triển hợp lý, mà một trong những yêu cầu cần thiết hiện nay là quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè.

Đại Từ là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển ngành Chè của tỉnh. Những năm qua, địa phương này rất chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè bằng việc đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị trong khâu chế biến. Theo báo cáo mới đây của UBND huyện, từ năm 2012 đến nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện đã hỗ trợ cho người làm chè trên địa bàn hơn 1.400 máy móc phục vụ chế biến sản phẩm này, trong đó có 56 tôn quay sao chè bằng Inox, hơn 700 tôn quay sao chè bằng sắt, 398 máy vò chè, 16 máy hút chân không, 3 máy ủ hương... Cùng với đó, UBND huyện còn hỗ trợ hơn 60 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ ngân hàng cho các hộ mua máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

 

Ở Đại Từ, xã La Bằng là địa danh được biết đến nhiều bởi các hoạt động sản xuất chè đặc sản. Nơi đây có HTX chè La Bằng nổi tiếng không chỉ với quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn ViêtGap mà còn ứng dụng máy móc thiết bị đồng bộ vào chế biến. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng khẳng định, HTX chè La Bằng hiện có dây chuyền sản xuất hiện đại với đầy đủ hệ thống tôn gang sao chè bằng gas, máy sấy, máy hút chân không, máy đóng gói, máy ủ hương...

 

Khảo sát tại một số gia đình làm chè tại La Bằng, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các công đoạn làm chè của người dân đã được hỗ trợ bằng máy móc, thiết bị. Từ đơn giản nhất là tôn quay sao chè, đến máy vò chè, máy đóng gói. Tại nhà bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng, chúng tôi được chứng kiến đầy đủ các công đoạn chế biến chè hiện đại. Bà Hải chia sẻ: Khoảng 5 năm trở lại đây, người làm chè La Bằng không còn phải đánh vật với những cối chè sao tay nữa. Tuy công suất máy móc thiết bị không lớn như ở các nhà máy, nhưng phù hợp với khả năng và điều kiện sản xuất hộ gia đình. Từ khi áp dụng thiết bị hiện đại vào chế biến chè, mỗi gia đình giảm được từ 3 đến 5 nhân công, sản phẩm sạch hơn, bao bì bắt mắt, bảo quản an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng.

 

Được biết, đầu năm nay, Dự án Hỗ trợ phát triển HTX tại Việt Nam đã hỗ trợ hệ thống máy sao chè bằng gas với giá trị khoảng 200 triệu đồng cho HTX chè La Bằng. Với hệ thống sao chè chạy gas, mỗi mẻ có thể sao được 20kg chè khô, gấp 2 lần so với máy thủ công đun củi. Nhờ vậy, năng suất, giá trị các sản phẩm chè đã được tăng lên khoảng 15-20% so với trước, góp phần tăng thu nhập cho xã viên lên thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng.

 

Cùng với La Bằng, các vùng chè đặc sản và vùng chè nguyên liệu khác trên địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng triệt để tiến bộ kỹ thuật vào chế biến. Đối với quy mô nông hộ, chỉ trừ các trường hợp tự sản, tự tiêu, còn lại đều bố trí vốn đầu tư máy móc phù hợp. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, trong 60 nghìn hộ nông dân trồng chè đang có tới 70% đến 80% đã áp dụng các biện pháp chế biến bằng máy móc. Lãnh đạo Công ty CP An An (có Văn phòng tại quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội), đơn vị chuyên cung cấp máy móc thiết bị phục vụ ngành Chè, cho hay, những năm gần đây, doanh nghiệp này đã tư vấn và cung cấp hàng trăm sản phẩm máy móc cho các vùng chè của tỉnh Thái Nguyên. Trong đó chủ yếu là hệ thống tủ sấy công nghiệp, dây chuyền đóng gói trà túi lọc, máy đóng gói, máy hút chân không... Phía Công ty này cũng thông tin thêm rằng, tỷ lệ các sản phẩm máy chế biến chè của đơn vị cung cấp tại Thái Nguyên ngày càng tăng. Đây là thị trường tốt không chỉ của An An mà của nhiều nhà sản xuất, cung ứng máy móc nông nghiệp khác.

 

Theo đánh giá của Hiệp hội chè tỉnh thì phương pháp chế biến công nghiệp đang dần lấn át thủ công. Tuy nhiên chế biến theo quy mô công nghiệp thực thụ với các dây chuyền sản xuất lớn thì hiện vẫn còn khá khiêm tốn đối với tỉnh ta. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến chè, trong đó có 17 doanh nghiệp có hoạt động thu mua chè búp tươi để chế biến sản phẩm, sản lượng chế biến đạt trên 37.000 tấn, trong đó chế biến công nghiệp đạt trên 6.400 tấn, bằng khoảng 17% đến 20% tổng sản lượng chè. Chè chế biến theo dây chuyền công nghiệp tại các nhà máy chủ yếu là sản phẩm chè đen, còn chè xanh để xuất khẩu lại cơ bản được chế biến trong nhân dân.

 

Được biết, hiện tại tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành Chè của tỉnh ngoài 30 doanh nghiệp đã nói, còn có trên 30 HTX, gần 100 làng nghề và nhiều tổ hợp tác sản xuất, chế biến. Trong điều kiện các doanh nghiệp chế biến chè của tỉnh còn gặp khó khăn, khả năng sản xuất chè đen xuất khẩu hạn chế thì việc áp dụng máy móc thiết bị vào sản xuất ở quy mô hộ gia đình,  HTX và làng nghề để cho ra các sản phẩm chè xanh đặc sản phục vụ nội tiêu là rất quan trọng. Nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, khi giá trị xuất khẩu chè của chúng ta quá thấp (khoảng 2 USD/kg) thì việc sản xuất phục vụ nội tiêu với giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng là cần thiết. Tất nhiên, công nghệ cũng như kỹ thuật chế biến ngày càng phải được nâng cao, trong đó công nghiệp hóa ngành Chè là đòi hỏi cần thiết.