Diện mạo mới ở Phú Bình

10:00, 25/11/2015

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2011-2015), diện mạo nông thôn của huyện thuần nông Phú Bình đã có những đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao…

Về thăm xã Lương Phú, một trong hai xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của huyện Phú Bình, chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự “thay da đổi thịt” của địa phương này. Những con đường đất đỏ lầy lội trước kia, nay đã được đổ bê tông sạch sẽ. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được xây dựng kiên cố, khang trang. Đời sống kinh tế của người dân ngày càng khởi sắc nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với đồng đất địa phương. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Phú cho biết: Ngay từ khi mới triển khai Chương trình xây dựng NTM, xã Lương Phú đã thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, cán bộ, công chức xã. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia và huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình. Phương châm của xã là phát huy dân chủ, bàn bạc trong nhân dân, tiêu chí nào dễ thì thực hiện trước, khó thực hiện sau. Với cách làm này, 5 năm qua, toàn xã đã vận động nhân dân hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, tường rào và nhiều công trình phụ khác để xây dựng hạ tầng nông thôn. Giờ đây, Lương Phú đã khoác lên mình một chiếc áo mới, 100% đường giao thông liên xã, liên xóm đã được cứng hóa, 9/12 xóm đạt tiêu chuẩn làng văn hóa cấp huyện; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn hơn 6%. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao như: Mô hình lúa lai, dưa chuột xuất khẩu, bưởi diễn, chăn nuôi lợn gà theo hướng trang trại…

 

Cùng với Lương Phú, 19 xã còn lại trên địa bàn huyện Phú Bình cũng đã đạt được những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện Chuơng trình xây dựng NTM. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của huyện: Ngoài 2 xã đã được công nhận nông thôn mới (Đồng Liên và Lương Phú), từ nay đến cuối năm 2015, huyện sẽ có thêm 5 xã khác “về đích” là: Nhã Lộng, Hà Châu, Bảo Lý, Tân Khánh và Thanh Ninh. 12 xã còn lại phấn đấu sẽ hoàn thành các tiêu chí trước năm 2020 để Phú Bình trở thành huyện nông thôn mới. Có được kết quả đáng khích lệ trên là nhờ huyện Phú Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM của toàn huyện là gần 1.249 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động từ nhân dân là trên 145,4 tỷ đồng; còn lại là các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 57,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 325 tỷ đồng, vốn tín dụng 647 tỷ đồng…       

 

Từ các nguồn vốn này, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghét những nguồn lực để thực hiện các tiêu chí khó như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa…Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 5 năm qua, bà con nhân dân trên địa bàn huyện đã hiến trên 25ha đất (trị giá 21,3 tỷ đồng) để làm đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa… Bên cạnh đó, các nguồn vốn còn được tập trung đầu tư vào công tác tuyên truyền, lập đề án và đồ án xây dựng NTM, phát triển sản xuất… Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai và nhân rộng góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân. Toàn huyện đã xây dựng đuợc 249 vùng sản xuất tập trung tại 21 xã, thị trấn với tổng diện tích 7.110 ha. Trong đó, 49 vùng sản xuất lúa lai và lúa chất luợng cao, 20 vùng chăn nuôi tập trung, 61 vùng sản xuất cây lâm nghiệp, 20 điểm làng nghề, 2 vùng sản xuất rau an toàn và vùng sản xuất lúa nếp thầu dầu… Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, bằng việc huy động các nguồn vốn đầu tư và sự đóng góp của nhân dân, huyện Phú Bình đã cải tạo và nâng cấp được 151,1 km đường giao thông nông thôn, xây mới 5 công trình hồ đập trung thủy nông, sửa chữa 59km kênh cấp 3; xây mới và cải tạo nâng cấp 306 phòng học ở các bậc học, 19 phòng làm việc tại các trường học, nâng cấp 10 trạm biến áp, cải tạo trên 400 km đường dây cao và hạ thế, xóa được 1.835 nhà tạm, nhà dột nát. Các công trình hạ tầng xã hội khác như: Trụ sở xã, chợ, nghĩa trang liệt sỹ, công trình nước sạch đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện...  

 

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân đạt 33 triệu đồng/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 12,64%; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 71% , tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt  28%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 92%...

 

Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020, Ông Hoàng Thanh Giao, Truởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng đường làng, ngõ xóm, giao thông, thủy lợi nội đồng…trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, huyện cũng sẽ thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở những xã nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm đạt chuẩn bền vững.