Sáng 24-11, tại xã Thượng Đình (Phú Bình), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo sơ kết các dự án: “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ”, “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ”. Tham dự có đại diện các bộ: Tài chính, Khoa học Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các tỉnh tham gia dự án.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ người dân cải tạo giống vật nuôi, nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò, cùng với đó là thực hiện các biện pháp thú y tiên tiến… Dự án dược triển khai tại 11 tỉnh: Thái Nguyên, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Quảng Bình. Đây là những tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển chăn nuôi bò, quy mô đàn bò lớn, đặc biệt là có quỹ đất để trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn dồi dào tại địa phương. Trong 2 năm triển khai, các dự án đã chọn được 41/42 xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới; tổ chức được 44 lớp tập huấn ngoài mô hình với 1.100 học viên và 4 lớp đào tạo tinh dẫn viên lành nghề cho 60 học viên.
Dự án đã sử dụng tinh bò đực thuộc nhóm Zebu, Droughtmaste và BBB với quy mô 3.000 bò cái. Giống bò cái nền để lựa chọn thụ tinh nhân tạo có trọng lượng bình quân 230,9 kg/con và đã tạo ra khoảng 2.000 con bê lai, trọng lượng bê sơ sinh trung bình đạt 23,54 kg/con bê lai; mỗi bò lai có giá trị cao hơn bò nội khoảng 3 triệu đồng/con. Dự án vỗ béo bò thịt đã lựa chọn được 1.074 con; các hộ tham gia được cán bộ Dự án hướng dẫn 6 công thức phối trộn thức ăn vỗ béo cho bò, tận dụng được các loai nguyên liệu sẵn có ở các địa phương. So sánh khả năng tăng trọng của đàn bò trong mô hình với đàn bò cùng thời điểm thì bò trong mô hình có khả năng tăng trọng cao hơn: 332,33g/con/ngày. Hiệu quả từ mô hình bò vỗ béo cho thu nhập cao hơn từ 3,5-5 triệu đồng/con.
Dự án Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ được triển khai tại 9 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với 326 hộ tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 con trâu giống, hỗ trợ thức ăn tinh để nâng cao sinh trưởng, phát triển và khả năng động dục, mang thai; ngoài ra còn được tập huấn, học hỏi những kiến thức cần thiết như chọn giống trâu, chăm sóc nuôi dưỡng trâu chửa đẻ, nghé con, kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ, chế biến thức ăn, phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn trâu. Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia mô hình hơn từ 10-15% so với các hộ chăn nuôi không kiểm soát, chăn nuôi tự phát.