Từ nhiều năm nay, Thái Nguyên đã tập trung đầu tư để phát triển cây chè, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè trong cơ cấu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển cây chè từ năm 2011 đến nay là trên 122,5 tỷ đồng.
Là một trong những vùng chè trọng điểm của cả nước, Thái Nguyên hiện có trên 21 nghìn ha chè. Xác định là cây trồng mũi nhọn, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho phát triển chè, triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè.
Về phát triển vùng nguyên liệu, hiện diện tích trồng mới và trồng lại bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao bình quân trên 1.000ha/năm. Để bảo đảm chất lượng chè nguyên liệu, tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đến nay, toàn tỉnh có 41 cơ sở sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP trong đó có 1 cơ sở được chứng nhận GlobalGAP, 1 cơ sở được chứng nhận UTZ với gần 600ha, gần 1.600 hộ tham gia. Về chế biến, chè Thái Nguyên được chế biến bằng 2 phương pháp, thủ công và công nghiệp. 80% sản lượng chè được chế biến bằng phương pháp thủ công truyền thống bằng máy sao tôn quay, máy vò và dây chuyền chế biến quy mô nhỏ tại các hợp tác xã, làng nghề, hộ nông dân; còn lại chế biến công nghiệp tại 34 doanh nghiệp. Về tiêu thụ: Trà Thái Nguyên được tiêu thụ trên ba thị trường chính là thị trường nội tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm Thái Nguyên cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 70% sản lượng chè thương phẩm.
Ngoài tiêu thụ trong nước, 30% sản phẩm chè Thái Nguyên đã được xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới: Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Anh, Hoa Kỳ và nhiều nước vùng Trung Đông. Qua các kỳ Fetival Trà, các sản phẩm và văn hóa Trà Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu “Đệ nhất danh Trà” với du khách trong nước và quốc tế; tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là phát triển cây chè, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm trà với các tỉnh bạn, trong khu vực và thị trường quốc tế; khẳng định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến quan tâm đến việc quản lý, bảo vệ và xây dựng thương hiệu chè có thế mạnh trong nước và quốc tế.
Mặc dù vậy, trong chuỗi giá trị sản phẩm chè, việc đầu tư cho khâu chế biến và bảo quản vẫn còn nhiều bất cập. Sự liên kết trong sản xuất và chế biến chè đã được hình thành nhưng việc liên kết giữa các tác nhân liên quan đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè, từ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè chưa chặt chẽ, chủ yếu người trồng chè vẫn tự chế biến, tiêu thụ; sự liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng chè chưa nhiều; số hợp tác xã sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè hiệu quả chưa cao…
Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh: Để ngành chè Thái Nguyên phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã sản xuất chè để phát triển theo chuỗi giá trị. Người dân thông qua HTX để góp vốn, góp đất trồng chè với quy mô lớn, đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng sản phẩm để cung cấp nguyên liệu chè an toàn cho doanh nghiệp chế biến. Doanh nghiệp cần làm tốt công tác thu mua nguyên liệu với giá hợp lý, chế biến chè với công nghệ cao, bảo đảm chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và làm tốt công tác tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, khuyến nông để chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo sản xuất với vùng nguyên liệu. Trong các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè cần có sự phân định rõ ràng vai trò, quyền lợi của mỗi bên để giúp người nông dân tăng nguồn thu từ ngành Chè một cách bền vững. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích và hỗ trợ liên kết sản xuất và có cơ chế đặc thù đối với doanh nghiệp, nông dân vùng nguyên liệu và các tổ chức khoa học, nhà khoa học để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Để thực hiện tốt các giải pháp trên tỉnh cần xây dựng các mô hình thí điểm liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý để phát triển.