Thái Nguyên hiện có 240 làng nghề chè, chiếm 86% tổng số làng nghề của tỉnh. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các làng nghề chè đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống, đầu tư máy móc và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè…
Những ngày diễn ra Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015, chúng tôi có dịp đến thăm Làng nghề chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), một trong những vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh. Con đường vào Làng nghề được trải bê tông sạch sẽ, cổng làng, nhà văn hóa xây dựng khang trang. Hai bên đường là những đồi chè xanh mơn mởn… Ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng xóm 5 cho biết: Từ khi được công nhận làng nghề chè (năm 2012), cuộc sống của người dân xóm 5 đã có nhiều thay đổi. Với sự khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, 3 năm trở lại đây, người dân đã chủ động thay thế giống chè trung du bằng chè cành cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Bát Tiên, Kim Tuyên, Chè Nhật, Phúc Vân Tiên, Hùng Đình Bạch…
Cùng với đó, hằng năm bà con đều tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ - thuật để nắm bắt quy trồng, chế chế biến chè và cách phòng trừ sâu bệnh hiệu quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy sản phẩm chè của người dân xóm 5 làm ra đến đâu đều được các doanh nghiệp và thương lái thu mua hết đến đó. Với việc tiếp cận các dự án hỗ trợ phát triển cây chè, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm diện tích chè của Làng nghề tăng thêm từ 5-7ha. Hiện Làng nghề có 85 hộ gia đình làm trồng và chế biến chè với tổng diện tích 85ha, trong đó, hơn 20ha được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Do có điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp, cộng với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cây chè ở xóm 5 phát triển nhanh, đều, búp chè to, mập, vị ngọt đậm đà. Trung bình mỗi năm, Làng nghề sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 100 tấn chè khô các loại. Nếu như trước đây, người trồng chè quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn thì nay cây chè đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ gia đình với mức thu nhập bình quân gần 40 triệu đồng/người/năm.
Là một trong 28 làng nghề được công nhận trong năm 2015, Làng nghề chè xóm Cả, xã Tân Khánh (Phú Bình) được UBND tỉnh hỗ trợ 35 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng cổng làng và tổ chức Lễ đón Bằng công nhận. Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng xóm Cả phấn khởi cho biết: Việc được công nhận làng nghề đã giúp bà con trong xóm có thêm động lực để gắn bó, phát triển nghề truyền thống của cha ông. Thương hiệu chè xóm Cả đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ dàng với giá trị ngày càng cao… Được biết, xóm Cả hiện có 32 gia đình trồng và chế biến chè với tổng diện tích 15ha. Những năm gần đây, xác định chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nên cùng với việc trồng mới và trồng cải tạo những diện tích chè trung du, người dân xóm Cả còn chủ động mua sắm, thay thế các loại máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chè. Nếu như trước đây người dân chủ yếu sao chè bằng chảo, tôn quay đen thì nay 100% hộ dân mua sắm tôn quay inox, máy vò chè điện... Người dân đã hướng đến sản xuất chè an toàn, quan tâm nhiều hơn đến khâu đóng gói và bảo quản sản phẩm bằng máy hút chân không. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, áp dụng các khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, người dân làng nghề còn tích cực tham gia quảng bá thương hiệu chè của mình đến với người tiêu dùng. Hằng năm, Ban quản trị Làng nghề thường xuyên đem sản phẩm của mình đi giới thiệu tại các Hội chợ thương mại. Nhờ đó, sản phẩm chè của Làng nghề đã được nhiều khách hàng biết đến và đánh giá cao.
Theo ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh, để tạo điều kiện cho các làng nghề chè nâng cao chất lượng sản phẩm, từ năm 2013 đến nay tỉnh đã trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ các làng nghề mới được công nhận với tổng số tiền là trên 2,6 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các làng nghề chè như: vận động và lựa chọn sản phẩm của các làng nghề để tham gia gian hàng trưng bày tại những dịp tỉnh tổ chức hội chợ hay các Liên hoan trà; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức giới thiệu thiết bị bảo quản, chế biến chè tại một số làng nghề chè trong tỉnh; tổ chức tư vấn các thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp cho các cơ sở trong làng nghề khi có nhu cầu…