Những ý kiến tâm huyết

08:37, 27/11/2015

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên” diễn ra ngày 27-11, có rất nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, đánh giá thực trạng thành tựu và hạn chế, cũng như đề xuất giải pháp phát triển ngành Chè của tỉnh. Báo Thái Nguyên Điện tử lược ghi một số ý kiến đó.

Tổ chức các hợp tác xã, doanh nghiệp chè
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam

 

Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ hai trong cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm chè, nhưng việc tổ chức sản xuất và kinh doanh chè chủ yếu là theo nông hộ nhỏ lẻ. Dù đã có nhiều hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp trực tiếp đóng chè thành các gói nhỏ có nhãn hiệu, thương hiệu và phân phối cho các đại lý và đến tận tay người tiêu dùng nhưng số lượng còn thấp. Sản xuất kinh doanh chè theo mô hình nông hộ nhỏ lẻ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Từ kinh nghiệm của các nước có điều kiện sản xuất tương tự (như Đài Loan, Nhật Bản và một số vùng của Trung Quốc), từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của một số mô hình đã hình thành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Lâm Đồng thì việc sản xuất kinh doanh chè của tỉnh Thái Nguyên cần phải triển khai nhiều giải pháp để có thể phát triển nhanh và bền vững. Một trong những giải pháp đó là: Tổ chức các hợp tác xã chè, doanh nghiệp chè. Để tổ chức được các hợp tác xã và doanh nghiệp phủ kín các vùng chè của tỉnh đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh đều phải vào cuộc.

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh
Ông Vũ Hữu  Hào, Trưởng phòng KCS, Tổng Công ty Chè Việt Nam

 

Sản phẩm truyền thống chè xanh Thái Nguyên được sản xuất chế biến ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh và có nhiều địa danh nổi tiếng với chất lượng hương vị chè xanh khá cao. Chế biến chè là một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh chè, là khâu kết tinh những giá trị quý báu của sản phẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh, nâng cao uy tín thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước, Thái Nguyên cần tập trung vào một số vấn đề: Chuyển đổi cơ cấu giống chè (tăng tỷ lệ giống chè thơm Kim Tuyên, PH10, Hương Bắc Sơn); thâm canh nương chè tốt để có nguyên liệu chất lượng cung cấp cho chế biến chè xanh; hướng dẫn thu hái chè nguyên liệu đúng kỹ thuật, đúng phẩm cấp, giữ búp chè tươi không bị dập; đổi mới trong khâu vận chuyển - bảo quản nguyên liệu; tiếp tục đào tạo công nghệ chế biến chè xanh để hạn chế những ảnh hưởng xấu và tạo ra những biến đổi làm tăng chất lượng sản phẩm chè xanh; có những chính sách, giải pháp gắn kết chất lượng trong nông nghiệp và trong chế biến chè xanh, nhằm tạo ra và duy trì ổn định chất lượng sản phẩm chè xanh trong tương lai.

 

Chú trọng chế biến thành phẩm chất lượng cao
Bà Anje Regitz - Chuyên gia, Giám đốc Dự án hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) tại Đông Nam Á.

 

Thực trạng ngành Chè Việt Nam hiện nay đó là các hợp tác xã và những người nông dân đang trực tiếp trồng, sản xuất chè được hưởng phần rất ít trong giá trị mà cây chè hay sản phẩm chè đem lại. Nói cách khác đa phần nông dân chưa tham gia hay tham gia chưa nhiều, tham gia chưa sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm chè. Giá trị sản phẩm chè do vậy bị kéo xuống rất thấp, thiệt cho quốc gia, thiệt cho ngành Chè và trước tiên cho người nông dân, hộ trồng chè. Vì vậy, muốn người nông dân cải thiện thu nhập, được hưởng nhiều hơn từ giá trị sản phẩm cuối cùng thì phải kết nối họ vào chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm. Quy hoạch ngành Chè cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng diện tích trồng chè, tăng sản lượng, tăng cung trên thị trường. Người nông dân nên tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm chè, không nên bán sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế. Chú trọng chế biến thành phẩm chất lượng cao, tham gia sâu vào các công đoạn nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, bán hàng trực tiếp.

 

Nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

 Hạn chế chủ yếu của nghành chè Thái Nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung hiện nay là quy mô sản xuất, chế biến còn nhỏ lẻ, mang tính chất nông hộ dẫn đến việc sắp xếp quy hoạch vùng nguyên liệu theo giống gặp khó khăn. Mặc dù phần lớn diện tích chè sản xuất theo hướng an toàn, nhưng tỷ lệ chứng nhận VietGAP còn thấp. Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất nguyên liệu chưa được đầu tư hiện đại; tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hoá thấp. Quy mô sản lượng chè có giá trị cao còn ít... Chính vì vậy, thời gian tới, ngành Chè cần phát triển theo hướng “Nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và phát triển bền vững”. Trước mắt, trong giai đoạn 2016 - 2020 cần xác định mục tiêu sản xuất chè an toàn, chất lượng là “khâu đột phá chiến lược”, xuyên suốt nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp, chính sách hỗ trợ và nguồn lực của tỉnh.

 

Tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè
Th.s Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh

 

Thực tế ở Thái Nguyên hiện nay, việc liên kết giữa người trồng đến người chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng chè tự chế biến và tiêu thụ. Việc doanh nghiệp liên kết với người trồng chè chưa phổ biến; số hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè có hiệu quả chưa nhiều. Để khắc phục hạn chế này, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sản xuất chè trên địa bàn tỉnh cần phải liên kết chặt chẽ với nhau để phát triển theo chuỗi giá trị ngành Chè. Các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè cần phải có một cơ chế rõ ràng để phân định vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên và khai thác có hiệu quả ảnh hưởng tương hỗ của liên kết nhằm giúp cho nông dân tăng thu nhập từ cây chè một cách bền vững. Tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù như: ứng vốn cho sản xuất, hỗ trợ lãi suất vốn vay… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chè, tạo dựng các chuỗi liên kết thúc đẩy ngành Chè phát triển.

 

Chủ động xây dựng, cải tạo vùng nguyên liệu
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX Chè La Bằng (Đại Từ)  

 

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm chè là nguyên liệu (chè búp tươi). Chính vì vậy, muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè thì không có con đường nào khác là phải chủ động xây dựng, cải tạo vùng nguyên liệu đồng đều, ổn định. Cần lựa chọn các giống chè có chất lượng cao và năng suất tối ưu phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để từng bước trồng thay thế giống chè cũ có năng suất, chất lượng thấp. Mặt khác, phải ứng dụng chế độ canh tác phù hợp với trình độ và điều kiện của các hộ trồng chè, thay thế dần phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo lại đất, tăng năng suất cây chè; thay thế thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho người sản xuất và môi trường bằng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh thân thiện với môi trường; sử dụng và cải tiến các loại công cụ lao động như: máy làm đất, làm cỏ, máy đốn, hái chè… sao cho phù hợp với điều kiện địa hình, giống chè, tán chè, loại sản phẩm chế biến và khả năng của người nông dân.