Nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững

08:00, 28/11/2015

Nghe theo tiếng gọi của Đảng, năm 1959, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân và nam nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tụ hội về Thái Nguyên xây dựng Khu công nghiệp Gang thép đầu tiên của nước nhà.

Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công, với tinh thần lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đến ngày 29-11-1963, mẻ gang đầu tiên của Lò cao số 1 đã ra lò, đánh dấu một thời khắc đã đi vào lịch sử của Khu Gang thép Thái Nguyên. Ngày 29-11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên.

 

Trong những ngày đầu mới thành lập (giai đoạn từ năm 1959-1963), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Khu Gang thép Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vinh dự được đón Bác Hồ ba lần về thăm. Lần thứ ba cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Khu Gang thép vào ngày 01-01-1964, Bác đã căn dặn đội ngũ cán bộ, công nhân: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như thế”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp các thế hệ công nhân, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên Gang thép Thái Nguyên luôn khắc sâu và làm theo lời dạy của Người, đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ trong quá trình xây dựng, phát triển Công ty và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này.

 

Từ năm 1964-1975 là giai đoạn vừa xây dựng, sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ và khôi phục nhà máy, lúc này có hàng nghìn cán bộ, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) tái ngũ, nhập ngũ để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng chính giai đoạn này đã xuất hiện những khẩu hiệu hành động nổi tiếng như: “Khi Tổ quốc cần, sẵn sàng đổi máu lấy thép”, “Lao động quên mình vì sự nghiệp Gang thép của Tổ quốc”. Trong thời kỳ từ năm 1976-1985, Công ty tập trung khắc phục khó khăn sau chiến tranh, duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong bối cảnh cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, khi đó lần lượt Xưởng Luyện thép, Xưởng cán thép Lưu xá và Nhà máy Luyện cán thép Gia sàng đi vào sản xuất.

 

Lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam ký kết hợp đồng tín dụng (tháng 6-2015).

 

Từ năm 1986-2008, hoạt động SXKD trong thời kỳ mới, Công ty đã từng bước và nhanh chóng tiếp cận cơ chế quản lý mới: Tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại; thực hiện có hiệu quả Dự án đầu tư giai đoạn I; xây dựng Nhà máy Cán thép Thái Nguyên và đầu tư chiều sâu để nâng công suất ở một số đơn vị; chuyển các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện về địa phương; tách một số đơn vị về Tổng Công ty Thép Việt Nam; cổ phần hoá và giải thể một số đơn vị, tinh giản biên chế và thành lập các chi nhánh tiêu thụ. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Công ty tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, thực hiện xong quá trình cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ, đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II; tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh công tác kỹ thuật, công tác quản lý chất lượng sản phẩm; triệt để tiết kiệm để duy trì sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

 

Trong năm 2015, thị trường thép vẫn diễn biến phức tạp, tiêu thụ chậm, cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh đó, Công ty CP Gang thép Thái  Nguyên triển khai đồng thời hai nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Vừa đảm bảo duy trì SXKD ổn định, vừa quyết tâm tái khởi động lại Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II. Đặc biệt, Công ty đã chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Công ty Thép Việt Nam, SCIC và tỉnh Thái Nguyên: Chủ động đề ra nhiều giải pháp trong quản lý điều hành; tổ chức rà soát sửa đổi, xây dựng và ban hành bổ sung các quy chế, quy định cho phù hợp; quyết liệt trong việc xử lý vật tư, thành phẩm ứ đọng, tồn kho và thu hồi công nợ; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào; tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm thép chống lò SVP 17, SVP 22, SVP27 theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; củng cố hệ thống phân phối và xây dựng chính sách giá, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng nhằm tăng sản lượng tiêu thụ.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết quả SXKD năm 2015 có bước tăng trưởng khá. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đạt 2.448 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch năm, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng thép cán đạt 654.677 tấn, bằng 123,5% kế hoạch năm, tăng 51,2% so với cùng kỳ; gang lò cao đạt 173.290 tấn, bằng 91,2% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ; sản lượng thép tiêu thụ đạt 614.048 tấn, bằng 115,8%  kế hoạch năm, tăng 70,2% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 7.084 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 451 tỷ đồng; bảo đảm việc làm ổn định cho 5.465 lao động với mức lương bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng…

 

Cùng với việc duy trì SXKD ổn định và tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II, trong những năm qua, Công ty còn quan tâm và làm tốt công tác xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị đoàn thể. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các Nghị quyết Trung ương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả thực hiện nhiệm vụ SXKD của Công ty tới cán bộ, đảng viên và CNVCLĐ… Công ty còn quan tâm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động: Đưa vào sử dụng 12 nhà ăn ca tự chọn và 1 nhà xông hơi tắm giặt liên hoàn phục vụ cho CNVCLĐ; dành gần 1 tỷ đồng hỗ trợ các quỹ an sinh xã hội trên địa bàn và xây dựng 3 nhà tình nghĩa cho gia đình CNVCLĐ gặp khó khăn…

 

Phát huy truyền thống 56 năm xây dựng, phát triển và 52 năm Ngày truyền thống Công nhân Gang thép, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2015, tạo đà phát triển SXKD trong năm 2016, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã đề ra một số giải pháp, trong đó chú trọng: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, đồng thời thực hành tiết kiệm, tiết giảm các chi phí, quản lý chặt chẽ nguyên nhiên liệu đầu vào, hàng tồn kho; áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời làm tốt công tác thu hồi công nợ; bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các ngân hàng, tổ chức đàm phán thành công với Tổng thầu MCC để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II... Toàn Công ty phấn đấu duy trì SXKD ổn định, phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.