Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2015. Giai đoạn này được xem là thời điểm nước rút để hoàn thành kế hoạch đề ra cả năm của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Việc "cán đích" là khá quan trọng, thể hiện sự tăng trưởng hay thụt giảm so với năm trước của các DN Nhà nước cũng như DN địa phương ngoài quốc doanh.
Trong khu vực các DN do địa phương quản lý thì khu vực DN ngoài quốc doanh chiếm đa số nên quy mô cũng như tác động của khu vực này đến tình hình sản xuất công nghiệp địa phương là khá quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ phản ánh sự nỗ lực đẩy nhanh nhịp độ sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm của một số DN có sức đóng góp chủ đạo cho cả khu vực công nghiệp địa phương. Đó là các DN trong khối công ty cổ phần, công ty TNHH và DN tư nhân.
DN đầu tiên chúng tôi nói đến ở đây là Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Đây là đơn vị đang thực hiện dự án khai thác khoáng sản đa kim lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đến nay, Công ty đã khai thác và chế biến được các loại sản phẩm có giá trị cao như đồng, volfram, flourspar. Đơn vị đề ra mục tiêu hàng năm xuất khẩu đạt giá trị từ 250 đến 300 triệu USD. Năm 2015, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước chưa hết khó khăn, tuy nhiên với DN này mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra tương đối thuận lợi. Do thị trường tiêu thụ ổn định nên trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất được trên 3.000 tấn đồng, 600 tấn volfram và khoảng 16.000 tấn flourspar. Theo đánh giá của lãnh đạo đơn vị thì volfram và các sản phẩm volfram dù sản lượng không lớn như các sản phẩm còn lại nhưng lại có giá trị cao nhất. Đến thời điểm này, volfram và sản phẩm volfram của Công ty đã đạt gần 9.000 tấn (kết thúc năm nay, khả năng sản phẩm này sẽ đạt mức 9.100 tấn, tăng trên 11% so với năm trước và vượt 12% kế hoạch đề ra).
Một DN khác là Công ty CP Đầu tư Phát triển Yên Bình, đơn vị sản xuất nước sạch và xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Yên Bình, đến thời điểm này đã hoàn thành kế hoạch đề ra cả năm. Được biết từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã đạt sản lượng gần 8 triệu m3 nước sạch thương phẩm và xử lý nước thải với số lượng xấp xỉ, đạt tổng doanh thu gần 70 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra thì hiện tại Công ty đã hoàn thành 99%. Theo ông Hoàng Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Yên Bình thì hiện Nhà máy nước và xử lý nước thải đang vận hành với công suất lớn để đáp ứng nhu cầu hoạt động ngày càng gia tăng của các đơn vị sản xuất trong Khu công nghiệp, trong đó chủ yếu là từ các nhà máy của Tập đoàn Samsung. Khả năng kết thúc năm nay, sản lượng nước thương phẩm sẽ đạt khoảng 10 triệu m3, vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong những tháng đầu năm nay tình hình sản xuất công nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn nên hầu hết các DN địa phương đều sụt giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng tồn kho lớn khiến nhiều DN phải điều chỉnh năng suất, sản lượng. Có DN kết thúc 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 30% kế hoạch. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, tình hình thị trường tiêu thụ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nên khả năng hoàn thành kế hoạch của các DN là khá lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đôn Văn Thủy, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Công Thương) cho rằng, ngoài một số khu vực, nhất là khu vực khai thác khoáng sản chưa thể vực lại sản xuất, thì cơ bản đã có những cải thiện rõ ràng. Trong đó, đáng nói là các DN sản xuất hàng may mặc, bê tông thương phẩm, sắt thép và các loại vật liệu xây dựng khác đã có những tăng tốc mạnh mẽ ở thời điểm cuối năm. Một trong những DN phải kể đến là Công ty Cp Đầu tư và Thương mại TNG. Những tháng cuối năm, DN này có mức tăng trưởng khá nhanh, tháng trước luôn vượt so với tháng sau từ 5-10% và đều vượt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tháng 9 đơn vị sản xuất được 1.163 nghìn sản phẩm thì tháng 10 vừa qua sản xuất được 1.300 nghìn sản phẩm, vượt 11,8% so với tháng 9 và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Trong tổng số 45,2 triệu sản phẩm may mặc dự ước đạt được cả năm 2015 của toàn tỉnh (tăng 10,6% cùng kỳ, bằng 113,6% kế hoạch năm) thì riêng Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chiếm tới trên 50%.
Cũng có mức tăng trưởng như DN sản xuất hàng may mặc, từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tháng Công ty Cp Cơ điện luyện kim (đơn vị chuyên sản xuất vật liệu xây dựng) đều khai thác được trên 25 nghìn m3 đá xây dựng, trên 1.200 tấn vôi, 270 nghìn m2 tấm lợp amiăng xi măng. Theo lãnh đạo Công ty thì bắt đầu từ quý III năm nay, tình hình tiêu thụ trên thị trường thông thoáng hơn nên sản lượng sản xuất tháng sau ở tất cả các sản phẩm đều cao hơn tháng trước từ 10% đến 40%. Hiện tại, đơn vị đã gần như hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Lượng hàng tồn kho vẫn còn nhưng thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.
Qua tìm hiểu ở một số DN trong khu vực địa phương quản lý, chúng tôi nhận thấy hầu hết các DN đều rất nỗ lực để có thể hoàn thành kế hoạch, trong đó phải kể đến các đơn vị như: Công ty CP Nhiệt điện An Khánh với sản phẩm là điện thương phẩm; Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp sản phẩm chính là xi măng, tấm lợp, gạch ốp lát; Công ty CP Prime Phổ Yên với gạch ceramic; Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên, DN tư nhân Việt Cường với sản phẩm bê tông tươi, gạch tuynel; Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng với sản phẩm thức ăn gia súc; Công ty TNHH Hương Đông sản xuất thép thỏi; Công ty TNHH Quang Trung sản xuất gạch xây dựng các loại; DN Bảo Long sản xuất đá nghiền; DN Đại Cát Thành sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu...
Mặc dù so với khu vực DN Nhà nước Trung ương, DN có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp của các DN địa phương vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh còn khiêm tốn, nhưng qua đây có thể thấy được những nỗ lực thực sự mà các DN sở tại thể hiện, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chưa hết khó khăn, áp lực cạnh tranh từ hội nhập lớn.