Thêm luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

10:45, 30/11/2015

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (NĐ55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (NĐ41) tuy mới chính thức có hiệu lực được gần 4 tháng nhưng bước đầu đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân, đồng thời giúp cho nhiều ngân hàng có điều kiện tăng trưởng được chỉ tiêu dư nợ cho vay. Ghi nhận tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên.

Ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng, điểm nổi bật nhất của NĐ55 so với NĐ41 đó là nâng mức cho vay không cần tài sản đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình từ 50 lên 100 triệu đồng; từ 200 lên 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh và từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng đới với hợp tác xã, chủ trang trại. Cùng với đó, đối tượng thụ hưởng chính sách cũng được mở rộng hơn. Nếu như trước đây, người dân thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố mặc dù có thực hiện sản xuất nông nghiệp nhưng không thuộc đối tượng được vay theo NĐ41, thì nay đã được. Quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro cũng được quy định cụ thể, rõ ràng, có lợi cho người vay, cũng như dễ dàng cho ngân hàng… Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 25-7-2015.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, trong nước thời gian qua và cả hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hấp thụ vốn của phần lớn doanh nghiệp, khiến những tháng đầu năm, dư nợ cho vay của hệ thống Agribank của tỉnh có mức tăng trưởng chậm chạp, thậm chí ở Hội sở chính còn có mức tăng trưởng âm, thì sự ra đời của NĐ55 đã mang lại luồng sinh khí mới giúp hệ thống Agribank trên địa bàn lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay của toàn Chi nhánh mới đạt 4% so với cuối năm 2014, nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai NĐ55 và cùng với một số chính sách cho vay ưu đãi khác đối với doanh nghiệp, đến cuối tháng 11, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của Agribank Thái Nguyên đã đạt trên 10% (kế hoạch cả năm là từ 10-12%). Chỉ tính riêng doanh số cho vay theo NĐ55 đã lên tới 1.630 tỷ đồng, với 11.800 lượt hộ vay. Hiện, dư nợ cho vay theo NĐ41 và NĐ55 tại Chi nhánh là 4.429 tỷ đồng (chiếm 70% tổng dư nợ). Hơn 90% trong số này đối tượng vay là hộ sản xuất nông nghiệp. Điều này cho thấy sự tác động của NĐ55 đến người dân là rất lớn.  Hiện lãi suất cho vay đang được Agribank tỉnh áp dụng từ 7-9%/năm ở kỳ ngắn hạn; từ 9-10% ở kỳ trung và dài hạn. Ngoài các ưu đãi từ NĐ55, Agribank còn đưa ra một số chính sách ưu đãi khác đối với hộ vay như cấp hạn mức vay tối đa cho 1 hộ lên tới 200 triệu đồng cho các nhu cầu tổng hợp của khách hàng, phù hợp với điều kiện kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.

 

Chị Nguyễn Hồng Huệ, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Phú Lương chia sẻ: Với 16 đơn vị hành chính, trước đây, chỉ có 14 xã là đối tượng được vay theo NĐ41, nay người dân 2 thị trấn của huyện đã trở thành đối tượng được vay. Để các hộ dân biết đến NĐ55, ngay từ khi Nghị định ra đời, Chi nhánh đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu đến các bí thư, trưởng xóm thông qua hội nghị giao ban của các xã, thị trấn. Với số đối tượng được vay và mức vay đều tăng đã giúp dư nợ cho vay của Chi nhánh tính đến cuối tháng 11 đạt 633 tỷ đồng trên kế hoạch năm là 622 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2014, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt 15%.

 

Còn theo anh Phạm Thanh Hiếu, xóm Khe Nát, xã Động Đạt (Phú Lương) - một trong những hộ được hưởng lợi từ NĐ55 ngay từ những ngày đầu Nghị định có hiệu lực nói: Thủ tục vay đơn giản, mức lãi suất hợp lý và số tiền vay cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân là những thuận lợi mà tôi cảm nhận được khi vay theo NĐ55. Với số tiền vay 100 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Phú Lương, tôi đã có điều kiện mở rộng chuồng trại từ 30m2 lên 130m2 để nuôi 100 con thỏ mẹ giống lai Newrealand thay vì nuôi 20 con như trước đây. Hiện, trung bình mỗi tháng, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 5-6 triệu đồng.

 

Có thể nói, NĐ55 không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nghị định cũng đưa ra các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo giải pháp đột phá cũng như tạo ra “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa và sự tác động mạnh mẽ từ Nghị định này, rất cần sự tiếp tục quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành liên quan trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất giúp người dân có được đầy đủ các yếu tố cần thiết để được vay vốn theo NĐ55.