Thu ngân sách Nhà nước: Vượt cao nhưng chưa hết khó khăn

08:00, 14/11/2015

Mặc dù chưa năm nào tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ta lại có mức vượt cao như năm nay (dự kiến đạt khoảng 6.800 tỷ đồng, vượt kế hoạch gần 2.000 tỷ đồng), nhưng tính đến hết tháng 10 vẫn có 3 nguồn thu quan trọng có tốc độ thu bình quân trong năm đạt thấp và nhiều khả năng sẽ khó hoàn thành kế hoạch như 2-3 năm gần đây. Điều đáng nói hơn, đây là những nguồn thu mang tính bền vững.

Về 3 nguồn thu khó hoàn thành kế hoạch gồm: Thu từ doanh nghiệp (DN) Nhà nước Trung ương và địa phương; thu từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh và thu phí, lệ phí. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tính đến hết tháng 10, thu từ DN Nhà nước Trung ương và địa phương mới được 740/920,6 tỷ đồng (đạt 80,3% kế hoạch năm); thu từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh được 858/1.050 tỷ đồng (đạt 82% kế hoạch); thu phí, lệ phí được 97,3/140 tỷ đồng (đạt 70% kế hoạch).

 

Giải thích về nguyên nhân khiến 3 nguồn thu này không đạt được tốc độ thu bình quân năm và nhiều khả năng không hoàn thành kế hoạch năm, đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết: Đầu tiên là do việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh từ năm 2012 trở lại đây trong điều kiện phát triển kinh tế chung của tỉnh cũng như cả nước còn nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN Nhà nước Trung ương và địa phương cũng như DN ngoài quốc doanh trên địa bàn có sự sụt giảm; các ngành chủ lực của tỉnh như cán thép, sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản… thời gian gần đây tuy đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau một thời gian dài trầm lắng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN lớn được kỳ vọng sẽ có số thuế nộp lớn nhưng thực tế lại không đạt được như vậy. Đơn cử như Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, trong 10 tháng của năm nay mới phát sinh thuế giá trị gia tăng (GTGT) được 28,2 tỷ đồng (chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm 2014). Đối với Công ty CP Nhiệt điện An Khánh (một trong những dự án được xác định là trọng điểm của tỉnh), năm 2015 dự kiến sẽ thu được 50 tỷ đồng thuế GTGT, nhưng trong 10 tháng qua vẫn chưa phát sinh số thuế GTGT phải nộp từ sản xuất, kinh doanh (nguyên nhân là do đơn vị này chưa thương thảo được giá điện thương phẩm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Với những khoản thu mà đơn vị này nộp được như thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài lại không nằm trong số 3 chỉ tiêu thu nói trên, mà nằm ở các nguồn thu khác…

 

Đối với việc thu phí, lệ phí, thực hiện Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25-8-2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9-3-2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Thông tư số 158/2011/TT-BTC ngày 16-11-2011 của Bộ Tài chính thì mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể từ ngày 1-7-2013. Đơn cử như quặng sắt giảm từ 50 nghìn đồng xuống còn 45 nghìn đồng/tấn; quặng măng-gan giảm từ 40 nghìn đồng xuống còn 35 nghìn đồng/tấn... Ngoài ra, năm 2014, do có sự thay đổi chính sách tại Thông tư số 158/2011/TT-BTC ngày 16-11-2011 của Bộ Tài chính về xác định tỷ lệ quy đổi từ khoáng sản thành phẩm về khoáng sản nguyên khai làm căn cứ thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản giảm cũng làm ảnh hưởng đến số thu của chỉ tiêu phí, lệ phí nói chung.

 

Cùng với đó, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường cho DN theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ liên tục trong những năm gần đây như: Giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp; giảm thuế suất thu nhập DN từ 25% xuống còn 20% đối với DN có quy mô vừa và nhỏ; DN được kê khai khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng… một mặt đã tạo điều kiện cho các DN và người nộp thuế nói chung, cải thiện tốt môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng mặt khác cũng tác động giảm thu ngân sách trong những năm gần đây và cho năm 2015.

 

Ngoài những nguyên nhân trên, một nguyên nhân quan trọng khác cũng không thể không nhắc đến đó là việc giao chỉ tiêu thu của 3 nguồn này của Tổng cục Thuế đối với Cục Thuế tỉnh được cho là cao trong bối cảnh tình hình kinh tế chung của tỉnh. Trong khi số DN Nhà nước Trung ương và địa phương đang ngày càng xu thế giảm (do sáp nhập, tái cơ cấu…) thì số thu vẫn được giao tăng đều theo số thực thu hàng năm. Do đó, khi kế hoạch đã đưa ra, mặc dù các đơn vị đã ra sức thực hiện nhưng 3 chỉ tiêu thu này vẫn bị thấp hơn so với kế hoạch trong nhiều năm liên tiếp gần đây.

 

Trước thực trạng này, ngành Thuế đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp, trong số đó đặc biệt chú ý đến việc theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý đối với khối DN Nhà nước Trung ương và địa phương, cũng như khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh; các khoản phí và lệ phí theo quy định để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, đồng thời xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu…