Từ thú chơi tao nhã đến hiệu quả kinh tế

17:00, 23/11/2015

Đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, phong trào sinh vật cảnh (SVC) trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về quy mô và chất lượng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Việc kết hợp sở thích, niềm đam mê với hiệu quả kinh tế đã góp phần hình thành nhiều vườn cây đẹp, nhiều mô hình kinh tế trang trại, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn.

Hội SVC tỉnh được thành lập từ năm 2000, với 280 hội viên ban đầu sinh hoạt tại 20 chi hội cơ sở, đến nay đã kết nạp được trên 1.500 hội viên, sinh hoạt tại 6 huyện, thị, thành phố và hầu hết các xã, phường, thị trấn có tổ chức hội. Hàng năm, Hội phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm SVC tại những lễ hội và các ngày lễ lớn. Sau 15 năm đi vào hoạt động, Hội đã phong tặng 22 nghệ nhân SVC ở các huyện và 16 nghệ nhân cấp tỉnh, 5 nghệ nhân Hội SVC Việt Nam chuyên ngành cây cảnh, hoa cảnh, đá cảnh, gỗ lũa...

 

Tại các Festival Trà tổ chức năm 2011, 2013 và 2015 ở tỉnh ta, Hội SVC tỉnh được UBND tỉnh giao chủ trì tổ chức triển lãm SVC tại khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên và gặt hái được nhiều thành công trên cả lĩnh vực kinh tế và tinh thần, văn hóa. Đây là niềm vui không chỉ với các hội viên, nghệ nhân làm SVC, mà còn là động lực đưa phong trào SVC trên địa bàn lên tầm cao mới. Thông qua Festival Trà và các cuộc triển lãm SVC, các hội viên, nghệ nhân có dịp giao lưu, giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế. Triển lãm năm nay sẽ thu hút được sự tham gia của trên 600hội viên, nghệ nhân, nhà vườn, CLB SVC đến từ 30 tỉnh, thành trong cả nước với hơn 1.000 tác phẩm các loại, tăng 40-50% so với các cuộc triển lãm trước đây.

 

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội SVC tỉnh chia sẻ: “Qua15 năm hoạt động, tuy còn khó khăn về nhiều mặt nhưng với sự nhiệt tình, đoàn kết của hội viên và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Hội, chi hội, Câu lạc bộ SVC của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã làm đổi thay bức tranh SVC của tỉnh và hướng tới phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Nhiều hội viên tại các chi hội cơ sở ở thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Đại Từ, Phú Lương... đã làm giàu nhờ cây cảnh với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh phong trào giao lưu, tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm với các tỉnh bạn; gửi các tác phẩm dự thi và đạt giải cao tại nhiều địa phương trên toàn quốc như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ và T.P Hồ Chí Minh... góp phần tạo thêm niềm hứng khởi cho các hội viên”.

 

Từ thú chơi tao nhã đến hiệu quả kinh tế cao, phát triển SVC còn là bạn đồng hành tích cực trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái; đóng góp vào sự ổn định chung trong hướng phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Từ năm 2011, đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hội cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Doanh thu bán sản phẩm đạt gần 117 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước đạt trên 3,5 tỷ đồng. Dự kiến trong thời gian tới, Hội sẽ hoàn chỉnh quy hoach theo Đề án phát triển hoa, cây cảnh của tỉnh, trong đó sẽ có gần 400ha đất chuyên trồng hoa, cây cảnh tại các vùng Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên.

 

Có thể nhận thấy SVC và hoạt động phong trào của Hội SVC Thái Nguyên đã và đang tạo sức hấp dẫn đến nhiều đối tượng trong xã hội và có sức lan tỏa nhanh, rộng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và gắn kết tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần trong cộng đồng xã hội.