Những năm qua, nhờ thu hút và huy động được các nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nên những năm gần đây, cơ cấu lao động của T.X Phổ Yên đã từng bước chuyển dịch theo hướng tăng số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
T.X Phổ Yên hiện có trên 95.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 63,35% dân số. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm. Theo thống kê đến tháng 8-2015, tổng diện tích đất thu hồi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và xây dựng kết cấu hạ tầng là gần 1.230ha. Việc diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp có tác động trực tiếp đến trên 14.000 lao động, trong đó đa số là lao động chưa qua đào tạo, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ. Điều này đặt ra cho Thị xã một đòi hỏi là, cần tăng cường đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả, đồng thời lực lượng lao động nông cần được đào tạo nghề một cách bài bản với kiến thức phù hợp, gắn với giải quyết việc làm cho nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Trước đòi hỏi đó, Thị xã đã tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đào tạo giáo viên dạy nghề, thu hút các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia vào việc dạy nghề trên địa bàn. Bên cạnh đó, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề, ngành nghề truyền thống trên địa bàn, nhằm góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân khi bị thu hồi đất, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.
Theo đó, trong 4 năm qua, Thị xã đã tích cực phối hợp với Tổng cục dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai các mô hình dạy nghề, với tổng số 138 lao động tham gia, đó là: Trồng hoa ly, hoa loa kèn, hoa đồng tiền tại thôn Thanh Hoa, xã Trung Thành; trồng, chăm sóc và chế biến chè tại xã Phúc Thuận; chế biến các sản phẩm mộc tại làng nghề Giã Trung, xã Tiên Phong; thêu ren xuất khẩu tại xã Trung Thành. Qua các mô hình này, người dân đã được nâng cao trình độ về thâm canh cây trồng, phát triển nghề truyền thống, nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Nguyễn Văn Huy, thôn Giã Trung, xã Tiên Phong cho biết: Tôi đã mở xưởng mộc từ nhiều năm nay, trước đây do chưa nắm được kỹ thuật, nên xưởng chỉ sản xuất sản phẩm thô rồi bán cho làng nghề Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh, sau đó lại nhập sản phẩm hoàn chỉnh về tiêu thụ trên địa bàn. Điều này, vừa mất thời gian mà hiệu quả lại không cao. Vì thế, khi Thị xã tổ chức lớp học nghề mộc tại địa phương, tôi đã đăng ký tham gia. Trong thời gian 3 tháng, tôi đã nắm chắc các kỹ thuật: Phun sơn, khảm trai, lấy vân gỗ, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ của người tiêu dùng. Nhờ đó, tôi đã có thể sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh bán trực tiếp ra thị trường. Mấy năm nay, mỗi năm tôi nhận được hàng trăm đơn đặt hàng với các sản phẩm như: Bàn ghế, tủ, kệ… Qua đó, quy mô xưởng ngày càng được mở rộng.
Chị Nguyễn Thị Hải, một người dân làm nghề trồng Hoa ở xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành, cho biết: Tôi làm nghề trồng hoa đến nay được khoảng 6 năm, trước đây, tôi làm hoa dựa theo kinh nghiệm tự học nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, chủ yếu tôi trồng hoa cúc. Sau khi được tham gia lớp dạy nghề trồng hoa, tôi đã hiểu hơn đặc tính của các loài hoa, cách trồng, chăm sóc hoa và đặc biệt là tôi đã mạnh dạn trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao, như: Lyly, đồng tiền, loa kèn… Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu được trên 100 triệu đồng nhờ trồng hoa.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, lựa chọn ngành nghề đào tạo nên các mô hình điểm về dạy nghề giải quyết việc làm đã đạt được thành công. Hiện, các mô hình này đã và đang được nhân ra diện rộng. Bên cạnh các mô hình dạy nghề, Thị xã đã tổ chức các khóa đào tạo nghề đối với các ngành nghề, như: May, điện, gò, hàn… Tính từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động được đào tạo là gần 11.000 người, trong đó trình độ sơ cấp là gần 7.500 lao động, trung cấp là trên 1.200 lao động, nghề phi nông nghiệp chiếm 77,4%, nghề nông nghiệp chiếm 22,6%. Tổng kinh phí hỗ trợ cho đào tạo nghề trên địa bàn trong 5 năm qua là gần 35 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ là gần 29 tỷ đồng, Thị xã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, xã hội hóa là trên 4 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm chiếm 93,2%. Cũng trong 5 năm, tổng số lao động tạo được việc làm mới là trên 48.000 lao động; riêng năm 2015 số lao động có việc làm ước đạt trên 18.000 người. Các lao động được đào tạo nghề đều giải quyết được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề phát triển ngành nghề truyền thống tại địa phương.
Qua công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm ở địa phương đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến nay, cơ cấu lao động của Thị xã là: lao động phi nông nghiệp chiếm trên 70%; lao động nông nghiệp chiếm khoảng 28%; chuyển dịch được trên 36% từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.