Vùng chè bên dòng Như Nguyệt

09:06, 28/11/2015

Bên này sông Cầu (Như Nguyệt) là vùng chè Trại Cài (Đồng Hỷ) và bên kia là vùng chè Phú Đô (Phú Lương) quanh năm xanh ngát. Có lẽ cùng “uống” chung nước dòng Như Nguyệt, cùng được hưởng dưỡng chất từ vùng đất mầu mỡ nên chất lượng chè ở Phú Đô không thua kém gì chất lượng chè ở Trại Cài…

Sau hơn nửa thế kỷ bén rễ ở vùng đất này, cây chè đang trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với 470ha chè, trong đó có 430ha chè kinh doanh, cây chè đang phát triển mạnh nhất ở các xóm Phú Nam 1, Phú Nam 2, Phú Nam 3, Phú Nam 4, Phú Nam 5, Phú Nam 6, Phú Nam 7 ở Phú Đô. Đây cũng là những xóm đã được công nhận làng nghề chè cấp tỉnh. Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân Phú Đô đã tích cực trồng mới, trồng lại chè bằng các giống chè cành năng suất, chất lượng... Hiện, chè giống mới đã chiếm khoảng 30% diện tích chè của địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục chuyển đổi thêm 30ha chè trung du già cỗi sang trồng các giống chè cành năng suất, chất lượng cao. Nhờ tích cực đầu tư, chăm sóc nên những năm trở lại đây năng suất chè ở Phú Đô tăng đáng kể. Đến nay, năng suất chè của xã đã đạt trên 110 tạ chè búp tươi/năm, tăng khoảng 20-30 tạ/ha so với 5 năm trước.

 

Không chỉ phát triển mạnh về diện tích, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, người dân Phú Đô còn quan tâm nâng cao chất lượng chè bằng việc sản xuất chè theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) và sản xuất theo hướng an toàn (hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học). Trong đó, xóm Phú Nam 4 và Phú Nam 7 là những địa phương đi tiên phong. Anh Phạm Ngọc Tân Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết, người dân Phú Đô đã ý thức được việc sản xuất ra sản phẩm chè mà người tiêu dùng cần chứ không phải sản xuất ra thứ mà bà con có. Do đó, số hộ tham gia sản xuất chè theo hướng an toàn ngày càng tăng lên.

 

Một trong những hộ dân đi đầu trong sản xuất chè an toàn phải kể đến ở Phú Đô là anh Nguyễn Văn Đức ở xóm Phú Nam 7. Theo anh Đức, khi chất lượng chè được nâng lên đồng nghĩa với việc giá bán ra sẽ cao hơn và người dân sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn nên giá bán sản phẩm chè của gia đình anh Đức đã tăng lên đáng kể. Trước đây, sản xuất theo phương thức truyền thống, chè của gia đình anh chỉ bán được với giá 100-120 nghìn đồng/kg thì nay đã bán được với giá 200-300 nghìn đồng/kg.

 

Đang là mùa đông, nhưng ở các xóm sản xuất chè của Phú Đô, những đồi chè vẫn trổ búp non mơn mởn. Đây là thành quả của những hộ chuyên sản xuất chè vụ đông của xã. Nhiều năm nay, sản xuất chè vụ đông đang là sự lựa chọn của không ít hộ dân, nhất là những hộ có diện tích chè nằm ven dòng Như Nguyệt hoặc nằm gần các khe, lạch, suối... Với việc sản xuất chè vụ đông, trên cùng một diện tích, mỗi lứa chè, bà con có thu nhập cao gấp 2 lần so với sản xuất chè chính vụ. Đơn cử như gia đình anh Đào Anh Tuyên ở xóm Phú Nam 6. Với khoảng 1 mẫu chè vụ đông, mỗi năm anh Tuyên thu từ 2 đến 3 lứa chè, thu nhập đạt gần 20 triệu đồng/lứa.

 

Cùng với sản phẩm chè Khe Cốc (Tức Tranh), sản phẩm chè Phú Đô đang dần khẳng định được thương hiệu, trở thành vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Chị Lê Thuý Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: Bởi chè Phú Đô đã có thương hiệu nên chúng tôi chọn các đại diện của xã đi tham gia thi Bàn Tay Vàng, Búp chè vàng tại Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015. Từ nhiều tháng nay, bà con ở đây đã rất tích cực luyện tập, nhất là việc liên kết nhóm thực hiện các công đoạn trong phần thi chế biến chè. Với mong muốn mang tới Festival sản phẩm chất lượng nhất để phục vụ du khách. Sản xuất, chế biến chè bằng cả trái tim và trách nhiệm, mong rằng sản phẩm chè của Phú Đô sẽ ngày càng toả hương qua mỗi kỳ Festival.