Năng động, dám nghĩ dám làm là một trong những bí quyết giúp cho gia đình anh Lưu Văn Hai, dân tộc Sán Dìu ở xóm Bờ Tấc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) luôn có kinh tế vững vàng. Với lãi suất gần 200 triệu đồng mỗi năm từ việc chăn nuôi lợn, gà, gia đình anh đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này.
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Hai, ông Diệp Văn Hưng, Bí thư Chi bộ xóm Bờ Tấc cho biết: Toàn xóm có hơn 200 hộ dân thì trên 90% số hộ là người dân tộc Sán Dìu. Vì là xóm vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế nên đời sống của bà con nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn, những mô hình hiệu quả như nhà anh Hai chỉ chiếm một con số rất nhỏ. Đây là tấm gương sáng về sự cần cù, nỗ lực vượt qua khó khăn phát triển kinh tế để bà con xóm Bờ Tấc học tập, noi theo.
Phải đi qua một con đường đất nhỏ hẹp ôm sát với những sườn đồi chúng tôi mới đến được nhà anh Hai. Tuy nằm sâu trong xóm, đường giao thông lại khó đi nhưng gia đình anh Hai đã xây dựng được một mô hình chăn nuôi khá lớn. Anh cho biết: Tổng diện tích khu chăn nuôi của gia đình khoảng 1.000m2, trong đó 2/3 diện tích anh dành để nuôi gà thả đồi, phần còn lại là khu chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Để có được mô hình này, vợ chồng anh Hai đã phải mất gần chục năm tích cóp tiền bạc, kinh nghiệm. Vốn xuất phát từ gia cảnh nghèo khó lại chưa biết cách phát triển kinh tế nên trước đây anh Hai chủ yếu đi làm thuê, vợ anh ở nhà lo mấy sào ruộng và chăm sóc con cái, toàn bộ khu đất của gia đình hầu như để trống, chỉ chăn nuôi, trồng trọt với số lượng ít để cải thiện bữa ăn trong nhà. Cũng chính nhờ việc đi nhiều nơi tìm việc làm thuê nên anh có điều kiện học hỏi nhiều cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình. Với lợi thế đất đai rộng rãi, vợ chồng anh đã bàn bạc và quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Năm 2006, anh Hai dồn hết vốn liếng tiết kiệm của cả nhà lại được 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và bắt đầu thử sức với việc nuôi 1.000 con gà thả vườn, 2 con lợn nái, hơn chục con lợn thịt. Trong quá trình nuôi, anh luôn chú ý thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ và tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi cho mình bằng cách tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tham khảo trực tiếp từ những mô hình hiệu quả ở địa phương. Do đó, đàn vật nuôi của gia đình anh hầu như không bị dịch bệnh, lứa lợn, gà đầu tiên được xuất chuồng, vợ chồng anh thu lãi hơn chục triệu đồng. Nhờ sự đầu tư đúng hướng, chăm chỉ lao động nên cuộc sống của gia đình anh dần ổn định, mỗi năm anh lại mở rộng quy mô chăn nuôi bằng cách tăng đàn. Hiện tại, trang trại của gia đình anh có 12 con lợn nái, trung bình mỗi lứa anh nuôi 70 con lợn thịt và 2.000 con gà, sau khi trừ chi phí anh còn được thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, vợ chồng anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chuồng nuôi để mỗi lứa có thể nuôi được khoảng 100 con lợn thịt và thả từ 3.000-4.000 con gà.
Theo anh Hai ra chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình, chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng nghìn con gà với bộ lông óng mượt, mào đỏ chót vây kín những chiếc máng đựng thức ăn. Anh cho biết: Cả đàn gà này là giống gà lai chọi, có sức đề kháng tốt, thịt rất chắc nên dễ tiêu thụ hơn những giống gà khác. Tuy nhiên, do đường giao thông ở đây quá nhỏ hẹp, khó đi nên giá nông sản thường bị thấp hơn so với những xóm ở trung tâm xã từ 3-5 giá. Bà con trong xóm rất mong có con đường lớn hơn, dễ đi hơn để việc phát triển kinh tế được thuận lợi. Không chỉ chú trọng việc chọn giống gà, đối với đàn lợn, anh Hai cũng rất quan tâm đến chất lượng con giống, bằng chứng là anh đã về tận Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam để tìm mua lợn mẹ có nguồn gen từ các đàn giống cao sản thế giới được Công ty này nhập khẩu về nước. Nhờ tự sản xuất được con giống, anh Hai đã bớt được mỗi lo mua phải lợn con kém chất lượng. Nhìn đàn lợn của gia đình anh, con nào cũng đều hồng hào, nhanh nhẹn.
Nhiều người dân nơi đây nhận xét mô hình chăn nuôi của gia đình anh Hai là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả nhất, nhì ở xóm Bờ Tấc. Mong rằng, trong tương lai sẽ có thêm nhiều mô hình như thế được nhân rộng tại địa phương này.